Nga vẫn cung cấp vũ khí cho các nước đối đầu với Trung Quốc ở châu Á

Hồng Anh |

Trong khi Ấn Độ và Trung Quốc leo thang tranh chấp tại vùng biên giới, với những động thái quân sự mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ, Nga vẫn “im hơi lặng tiếng”.

Hệ thống S-400. Ảnh: RT

Hệ thống S-400. Ảnh: RT

Im hơi lặng tiếng trước xung đột Trung - Ấn

Vào ngày 26/1 tới đây, Ấn Độ có thể tổ chức kỷ niệm Ngày Cộng hòa của nước này với các màn diễu hành và diễu binh hoành tráng như thông lệ, trong đó có việc ra mắt một loạt khí tài quân sự, nhằm biểu dương sức mạnh của các lực lượng vũ trang.

Sự kiện chắc chắn sẽ được theo dõi chặt chẽ trong bối cảnh căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc gia tăng dọc khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya.

Trước đó hôm 29/12/2021, Trung Quốc đã khiến New Delhi giận dữ khi “chuẩn hóa” tên gọi bằng tiếng Hoa cho 15 địa danh thuộc khu vực "Tạng Nam" (Nam Tây Tạng), cách Trung Quốc gọi khu vực tranh chấp mà Ấn Độ đặt tên là Arunachal Pradesh.

Những tên gọi mới này sẽ được sử dụng trên các bản đồ chính thức của Trung Quốc. Ấn Độ đã lên án động thái nói trên và khẳng định Arunachal Pradesh sẽ luôn là một phần lãnh thổ của Ấn Độ.

Trong lúc Ấn Độ và Trung Quốc leo thang tranh chấp tại vùng biên giới, với những động thái quân sự mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ, Nga vẫn “im hơi lặng tiếng”.

Bắc Kinh và New Delhi vốn là hai khách hàng mua khí tài quân sự hàng đầu của Nga trên thế giới, vì thế có khả năng hai bên sẽ triển khai các loại vũ khí và trang thiết bị của Moscow trong trường hợp xung đột biên giới nổ ra.

Kịch bản như vậy sẽ đặt quan hệ Nga-Trung vào một phép thử quan trọng, làm phức tạp thêm câu chuyện xoay quanh một cuộc “chiến tranh Lạnh” mới đang diễn ra, giữa một bên là Moscow và Bắc Kinh còn bên kia là Mỹ cùng các đồng minh.

Nga và Trung Quốc đã xây dựng quan hệ đối tác sâu rộng trong những năm gần đây, nhằm đối phó với Mỹ tại một loạt khu vực từ châu Á-Thái Bình Dương đến Trung Đông.

Nhưng các mối quan hệ chiến lược của Nga từ xưa đến nay vốn được tạo dựng bởi những hợp đồng mua bán vũ khí béo bở với các đồng minh và đối tác, trong đó có cả những nước công khai chống lại tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc. Điều này chắc chắn sẽ hạn chế mới độ hợp tác chặt chẽ của Moscow và Bắc Kinh.

Trung Quốc – nước đầu tiên mua hệ thống S-400 của Nga, đã triển khai một phần kho vũ khí tại các căn cứ không quân ở Tân Cương và Tây Tạng – nằm gần khu vực biên giới tranh chấp với Ấn Độ. New Delhi có thể sớm sỡ hữu các hệ thống tương tự và đặt ở vùng biên giới của mình. Điều đó có thể dẫn đến nguy cơ bùng phát chiến tranh biên giới Trung - Ấn khi vũ khí Nga được sử dụng ở cả 2 phía. Dù không ra mặt phản đối các thương vụ bán vũ khí của Nga cho Ấn Độ, nhưng Bắc Kinh luôn tỏ ra lo ngại trước kế hoạch triển hai hệ thống S-400 của Ấn Độ.

Dù là khách hàng quan trọng của Nga, nhưng Ấn Độ và Trung Quốc luôn muốn đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp vũ khí trong nước để giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài nhằm đạt được mức độ tự cung tự cấp cao hơn, nhà phân tích an ninh Ian Storey tại Viện Yusof Ishak của Singapore nhận định.

Chưa kể, 2 đối tác này nhiều lần khiến Moscow thất vọng. Trong khi New Delhi luôn tìm cách đa dạng hóa các loại vũ khí nhập khẩu của nước này, hợp tác với các đối tác lớn khác như Mỹ và Pháp thì Trung Quốc lại sao chép hoặc chế tạo lại một số thiết bị quân sự của Nga.

Đông Nam Á- khách hàng tiềm năng của Nga

Những nguyên nhân nói trên khiến Nga – nhà xuất khẩu vũ khí thứ 2 thế giới sau Mỹ, phải tìm kiếm các thị trường sinh lợi mới tại Đông Nam Á – nơi nhiều quốc gia đang tìm cách tăng cường năng lực quốc phòng nhằm đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc.

Không có nơi nào thể hiện sự mâu thuẫn này một cách rõ ràng như Biển Đông khi Trung Quốc liên tiếp khẳng định yêu sách chủ quyền phi pháp và gia tăng hành vi quân sự hóa khu vực.

Lợi dụng bối cảnh đại dịch hoành hành từ năm 2019 đến nay, Bắc Kinh đã đẩy mạnh các hoạt động đáng quan ngại ở Biển Đông. Lo ngại về các hành vi này, nhiều quốc gia như Indonesia va Malaysia đã tăng cường mua khí tài để củng cố năng lực quân sự.

Một trong những nhà cung cấp lớn mà họ tìm đến là Nga. Bộ Quốc phòng Indonesia đang xem xét khả năng mua trực thăng Mi-17 của Nga, sau khi nước này sở hữu 12 trực thăng Mi-17B5 và 5 chiếc Mi-35.

Trong những năm qua, Malaysia cũng đang tích cực thực hiện các chương trình hiện đại hóa và trang bị cho lực lượng vũ trang.

Theo The Diplomat, việc tăng chi tiêu quốc phòng của Malaysia nhằm giải quyết 2 mối quan tâm chính: mối đe dọa về an ninh lan rộng từ khu vực miền Nam Philippines và hành vi gây hấn của Trung Quốc xung quanh bãi Tăng Mẫu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - ND).

Nga và Malaysia đang xem xét khả năng thay thế phi đội trực thăng Sikorsky S-61 Nuri mà Malaysia đã sử dụng trong nửa thế kỷ, bằng trực thăng Mi-171 mới của Nga.

Bên cạnh đó, Moscow cũng chào hàng các trực thăng mới như Ansat, Mi-8/17 và Ka-32A11DC phục vụ nhu cầu của Hải quân và Cơ quan Cứu hỏa và Cứu nạn Malaysia.

Theo đánh giá của Viện Yosof Ishak, tranh chấp Biển Đông là vấn đề phức tạp nhất và là “điểm đứt gãy tiềm tàng” trong quan hệ Nga-Trung tại Đông Nam Á. Nga chưa từng lên tiếng ủng hộ các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Từ trước đến nay, Moscow vẫn giữ quan điểm trung lập, đồng thời kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế. Với quan điểm này, Nga có thể gây mất lòng Trung Quốc nhưng lại giữ được quan hệ hợp tác với nhiều đối tác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Nhìn chung, Nga quan tâm đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông - một tuyến đường thủy quan trọng và muốn gia tăng khả năng tiếp cận khu vực mà không bị cản trở.

Khác với cuộc chiến tranh Lạnh những năm 90, cuộc chiến tranh Lạnh ở thế kỷ 21 là sự pha trộn của các mối quan hệ đối tác chồng chéo, đôi khi tiềm ẩn những mâu thuẫn và rất khó phân biệt đâu là bạn đâu là thù.

Thực tế chính trị này sẽ thách thức nỗ lực của Trung Quốc và Nga trong việc xích lại gần nhau hơn để hình thành mặt trận chung chống ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á – nơi Moscow sẵn sàng đẩy mạnh việc bán vũ khí để khôi phục ảnh hưởng và uy tín trong khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại