Mỹ chuẩn bị cho chiến tranh tổng lực
Theo cảnh báo của tạp chí The National Interest, Nga và Trung Quốc sẽ vô cùng căm ghét chiếc siêu tăng mới "Abrams" của Mỹ. Chiếc xe tăng đầu tiên M1A2 SEP v3 do công ty General Dynamics Land Systems nghiên cứu chế tạo sắp sửa ra đời ngay trong tháng này trong khuôn khổ chương trình cung cấp những nguyên mẫu thử nghiệm ban đầu.
"Mục tiêu cuối cùng của các đơn vị lục quân chính là việc cải tiến toàn bộ lực lượng bao gồm khoảng hơn 1500 chiếc xe tăng M1A2", thư ký báo chí của Cục Các hệ thống chiến đấu trên bộ, bà Ashley Givens chia sẻ.
Các mẫu M1A2 SEP v3 thử nghiệm sẽ được nâng cấp hệ thống liên lạc, những tính năng về sự ổn định, khả năng sinh tồn, tiết kiệm năng lượng, lớp thiết giáp. Chiếc xe tăng này sẽ được bổ sung động cơ hỗ trợ nhằm tiết kiệm thêm năng lượng, các vật liệu hoàn thiện hơn cho lớp giáp, các động cơ, hộp số và hệ thống truyền động cũng được cải tiến.
Nó cũng được trang bị màn hình chung với độ phân giải cao cho pháo thủ ngắm bắn và sĩ quan chỉ huy, còn các chi tiết điện tử hiện đại của block hiển thị dành cho chỉ huy, của các bảng điều khiển dành cho lính cơ khí-lái xe và pháo thủ, của block điều khiển tháp pháo và của màn hình chung với độ phân giải cao sẽ được thay thế bằng các modul mới có thể tháo lắp nhanh.
Xe tăng M1A2 Abrams của Mỹ.
Công việc tích hợp các kênh truyền dữ liệu cải tiến về đạn dược với những thiết bị chiến đấu điện tử cũng đã được triển khai, cụ thể như thiết bị áp chế tần sóng của các loại bom tự tạo điều khiển từ xa.
Theo như tạp chí The National Interest cho biết, bản hợp đồng nâng cấp được ký với General Dynamics Land Systems có điều khoản liên quan tới việc đẩy mạnh công tác chế tạo phiên bản hiện đại hơn M1A2 SEP v4 của xe tăng "Abrams" đến năm 2020.
Chiếc xe tăng này sẽ sở hữu hỏa lực mạnh hơn, khả năng phòng vệ tối ưu hơn, được trang bị các thiết bị phát hiện mục tiêu mới, cũng như hệ thống vũ khí cải tiến và hiệu quả hơn. Theo kế hoạch, đến năm 2023 người Mỹ sẽ phải chuyển sang giai đoạn sản xuất M1A2 SEP v4, và cỗ máy này sẽ phải được bàn giao cho quân đội từ năm 2025.
Xe tăng M1A2 SEP v4 sẽ được trang bị loại đạn cải tiến đa mục tiêu 120mm AMP mà có tích hợp các tính năng khác nhau của một số loại đạn nó thay thế.
Mối đe dọa với xe tăng T-14 Armata đã xuất hiện?
Các công nghệ kết nối nội bộ, ống ngắm, cảm biến, hệ thống dẫn ngắm thế hệ mới, các phương tiện kỹ thuật kết nối nội bộ được cải tiến – đó là tất cả những điểm nâng cấp mới cơ bản nhằm giúp cho chiếc xe tăng này có thể triển khai chiến đấu trong bối cảnh các mối đe dọa mới xuất hiện nhanh chóng, như xe tăng T-14 "Armata" của Nga và Type-99 mới của Trung Quốc.
Một vài phương tiện truyền thông của Nga đã nhanh chóng gọi phiên bản mới "Abrams" này là "Armata" của Mỹ, nhưng thực tế không phải vậy. Không có bất cứ giải pháp nâng cấp đột phá nào được đưa ra đối với chiếc xe tăng Mỹ, mà đó chỉ hoàn toàn là những giải pháp nhằm tối ưu hóa lớp thiết giáp, hệ thống điều khiển hỏa lực,… mà thôi.
Bởi vậy, dù ở Phương Tây người ta có bàn tán thế nào đi chăng nữa về phiên bản "Abrams" hay "Leopard" mới, nhưng các xe tăng được thiết kế kiểu truyền thống đã ngay lập tức trở thành lỗi thời sau khi T-14 ra đời. Vấn đề ở đây là Mỹ thực sự quan tâm tới mức nào tới việc chế tạo một chiếc xe tăng đột phá của mình căn cứ vào những điều kiện địa lý?
"Trong điều kiện thực tế hiện nay, xe tăng "Abrams" với nhiều phiên bản nâng cấp đối với Mỹ là loại vũ khí thể hiện uy tín và "đề phòng mọi bất chắc". Người Mỹ phải có kế hoạch thích hợp để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh có thể xảy ra với Nga và Trung Quốc. Vì thế, họ cần phải sở hữu các xe thiết giáp hiện đại.
Mặt khác, đã từ lâu, các xe tăng không còn giáp chiến trực tiếp với nhau trên chiến trường và khó có thể mường tượng được người ta sẽ sử dụng chúng như thế nào nếu một cuộc chiến tranh lớn nổ ra. Tuy nhiên, tất cả các cuộc chiến tranh, theo mặc định, đều được triển khai có sử dụng các khí tài thiết giáp.
Còn đánh giá chiếc xe tăng nào hay không tốt là một vấn đề mang tính triết lý. "Abrams" tham chiến nhiều hơn tất cả loại xe tăng không phải do Liên Xô chế tạo cộng lại. Và vì thế nó bị coi là kém nhất trong số đó.
Trên thực tế, đơn giản không có cỗ máy nào tốt hơn hay kém hơn trong cùng một thế hệ. Và nói chung, những thiệt hại của các loại xe tăng chỉ được xác định bằng cường độ tham gia của chúng vào các hoạt động chiến đấu.
Tham gia càng nhiều, mất mát càng lớn. Tổng cộng "Abrams" đã mất khoảng 100 chiếc bắt đầu từ năm 1991 và kết thúc bởi các cuộc chiến tranh của tất cả những nước sở hữu nó. Con số này ít hay nhiều cũng là vấn đề mang tính triết lý", phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự Nga, ông Alexandr Khramchikhin chia sẻ.
Tổng biên tập tạp chí "Xuất khẩu vũ khí" (Nga), ông Andrei Frolov chia sẻ quan điểm của mình như dưới đây:
"Các kỹ sư thiết kế những mẫu vũ khí mặt đất hay trên không ngay từ đầu đã tính đến việc chế tạo các khí tài có thể nâng cấp trong tương lai. "Abrams" bắt đầu được bàn giao cho quân đội từ thập niên 80.
Việc người Mỹ quyết định triển khai giai đoạn tiếp theo của quá trình nâng cấp 1500 cỗ máy và sau năm 2020 sẽ tính tới giai đoạn nâng cấp kế tiếp cho thấy, thứ nhất, chiếc xe tăng này vẫn còn dư địa khai thác.
Tiếp đó, người Mỹ không thụ động và cố gắng hoàn thiện khí tài kỹ thuật của mình. Các xe tăng "Abrams" có bề dày kinh nghiệm chiến đấu không chỉ trong quân đội Mỹ mà cả trong các lực lượng vũ trang của những quốc gia mua chúng.
Và có thể hiểu được rằng, những cỗ máy này cần phải được thường xuyên cải tiến để đáp ứng nhu cầu trong cũng như ngoài nước. Nói chung, trong nhiều thập niên vừa qua, "Abrams" được nâng cấp các thiết bị phát hiện mục tiêu, lớp giáp, khả năng sinh tồn, sự cơ động cũng như sức mạnh hỏa lực.
Qua các cuộc chiến tranh tại Syria và Iraq cho thấy xe tăng vẫn là một phần không thể tách rời của trận chiến hiện đại. Kể cả các nhóm vũ trang phi chính thức cũng cố gắng có được những cỗ máy thiết giáp này bởi vì thiếu chúng thì rất khó có thể xuyên thủng tuyến phòng thủ được gia cố vững chắc của đối phương.
Bởi vậy, các xe tăng vẫn là vũ khí xuyên phá trong một thời gian dài nữa. Mặt khác, việc Nga và Trung Quốc gia tăng đầu tư vào các xe tăng thế hệ mới là một thách thức không nhỏ đối với Mỹ.
Trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột đa sắc tộc nào đó "Abrams" cũng sẽ phải chinh chiến không kém gì các cỗ máy của Nga, bởi vậy họ cố gắng tối ưu hóa nó, nghiên cứu chế tạo các loại đạn mới dành cho nó.
Mỹ, nói một cách nhẹ nhàng, không phải là quốc gia yêu chuộng hòa bình nhất và trong tất cả các cuộc xung đột mà đất nước này can dự đều có sự hiện diện của xe tăng. Ý tưởng đặt hi vọng vào các xe ôtô bọc thép "Stryker" trong tất cả các chiến dịch viễn chinh của Mỹ chắc chắn sẽ không thể được triển khai.
Người Mỹ tuyên bố rằng, sau năm 2030, trong kế hoạch của họ sẽ có các xe tăng thế hệ mới, nhưng tạm thời chưa thấy họ có những động thái tích cực nào theo hướng này, và theo như tôi hiểu, họ cũng không muốn đầu tư vào chiếc xe tăng mới.
Tôi nghĩ rằng họ sẽ khai thác tới cùng xe tăng "Abrams". Nhưng trong tương lai họ có thể sẽ quyết định chế tạo xe tăng mới bởi vì người Châu Âu đang nghĩ tới chiếc xe tăng liên doanh Pháp-Đức mà sẽ được sản xuất bởi tập đoàn KNDS sau khi công ty Krauss Maffei Wegmann của Đức và Nexter Systems của Pháp sát nhập với nhau.
Liên quan tới các nghiên cứu chế tạo những loại đạn mới và hoàn thiện hệ thống phòng vệ năng động của chiếc xe tăng này thì hệ thống phòng vệ năng động treo ARAT cũng đã được cải tiến, ARAT II đã được bố trí không chỉ trên thân xe mà cả trên nóc của tháp pháo.
Nói chung, những khác biệt giữa M1A2 SEP v3 và M1A2 SEP v2 gồm:
Thứ nhất, đạn 120mm xuyên giáp mới với khả năng công phá lớp chống đạn mạnh hơn và kíp nổ có lập trình.
Thứ hai, hệ thống điều khiển hỏa lực sẽ được nâng cấp.
Thứ ba, kính ngắm của pháo thủ sẽ được lắp đặt thiết bị cảm ứng nhiệt mới.
Thứ tư, modul điều khiển từ xa với súng đại liên 12,7mm và hệ thống theo dõi và ngắm bắn ngày đêm sẽ được trang bị trên nóc tháp pháo. Đây là những thay đổi nhằm hoàn thiện các khả năng chiến đấu của "Abrams".