Tại Nga, theo truyền thống, bất cứ loại vũ khí nào, dù là xe tăng, súng lục hay máy bay, đều được đặt định danh chính thức, gồm các chữ cái hoặc chứa cả chữ và số.
Tuy nhiên, trong hoạt động thường ngày, khi đề cập tới vũ khí Nga, các nhà thiết kế và quân đội Nga đều sử dụng cả tên gọi chính thức và không chính thức (như biệt danh hoặc định danh NATO).
Trong đó, biệt danh của một số loại vũ khí được đặt một cách có hệ thống.
Ví dụ điển hình nhất là tên các loại hoa được đặt cho các loại cối, pháo tự hành, pháo kéo của Liên Xô và Nga: "Gvozdika" (Carnation - hoa cẩm chướng), "Pion" (Peony - hoa mẫu đơn ) và "Tyulpan" (hoa Tulip)...
Các hệ thống pháo phản lực phóng loạt, với khả năng phá hủy toàn bộ một cứ điểm trong vòng 1 phút, thường được đặt tên theo các hiện tượng tự nhiên dữ dội như: "Grad" (Hail - Mưa đá), "Urgan" (Hurricane - Cuồng phong) hay "Tornado" (Lốc xoáy).
Biệt danh dành cho các hệ thống phòng không Nga lại thường theo tên các dòng sông, chẳng hạn như Shilka," "Tunguska," "Dvina," "Neva," "Pechora" và "Angara". Cách chọn tên này cũng được áp dụng cho một số hệ thống pháo kéo và pháo tự hành của Nga như "Msta," "Khosta" và "Kama".
Hệ thống phòng không Tunguska. Ảnh: Sputnik
Nhiều loại khí tài quân sự Nga được đặt biệt danh dựa theo đặc điểm nổi bật của chúng, chẳng hạn tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng (ICBM) R-36M2 được gọi là "Voevoda" (ngôn ngữ Xla-vơ, nghĩa là "tư lệnh/thống lĩnh").
"'Thống lĩnh của tất cả các loại ICBM' (nói tới R-36M2) có khả năng mang 10 đầu đạn với sức công phá lên tới 1 megaton vươn tới lãnh thổ đối phương" - chuyên gia quân sự Andrey Kots của RIA Novosti viết.
Hay như trực thăng tấn công Mi-28 'Night Hunter' (Thợ săn đêm) được thiết kế đặc biệt để hoạt động trong đêm. Còn ngư lôi tên lửa tốc độ cao 'Shkval' (Squall - Cơn gió mạnh) là mẫu ngư lôi nắm giữ kỷ lục tuyệt đối về tốc độ so với các vũ khí cùng loại.
Trực thăng tấn công Mil Mi-28-NE Havoc [Night Hunter]. Ảnh: Sputnik
Bên cạnh đó, theo ông Kots, một lượng lớn vũ khí Liên Xô và Nga được đặt biệt danh theo quy tắc "đánh đố".
Chẳng hạn, khó mà hiểu được tại sao súng phóng lựu tự động TKB-0134 được gọi là "Kozlik" (Kid). Đó là chưa kể đến hệ thống pháo phản lực phóng loạt hạng nặng TOS-1 "Buratino" (Pinocchio - tên một nhân vật hư cấu trong truyện thiếu nhi) và các khinh hạm lớp Gepard (Cheetah - tên một loài báo).
Hệ thống pháo phản lực phóng loạt hạng nặng TOS-1 "Buratino" . Ảnh: Sputnik
Về định danh NATO, theo ông Kots, không rõ tại sao truyền thông Mỹ lại gọi máy bay ném bom Tu-160 của Nga là Blackjack (Dùi cui), tiêm kích MiG-29 là Fulcrum (Điểm tựa) hoặc trực thăng chống ngầm Ka-25 là Hormone
Tuy nhiên, NATO đặt định danh cho máy bay và trực thăng Nga theo một quy tắc rất đơn giản: Chữ cái đầu thể hiện loại máy bay.
Chẳng hạn, máy bay chiến đấu sẽ có định danh bắt đầu bằng chữ cái F (Fighter), như Su-27 "Flanker", MiG-31 "Foxhound", Su-34 "Fullback".
Máy bay ném bom Su-34. Ảnh: Sputnik
Trong khi đó, máy bay ném bom sẽ bắt đầu bằng chữ B (Bomber), như Tu-95 "Bear", Tu-22 "Blinder" và Tu-22M "Backfire".
Riêng chữ cái M (miscellaneous - pha tạp/hỗn hợp) được NATO dùng để định danh các loại máy bay quân sự khác của Nga, trong đó có máy bay trinh sát, máy bay huấn luyện, cảnh báo, tiếp dầu..., như Yak-130 "Mitten", A-50 "Mainstay" Il-78 "Midas".
Các loại máy bay vận tải của Nga có định danh NATO bắt đầu bằng chữ C (Cargo - hàng hóa). Ví dụ như Il-76 "Candid", An-124 "Condor" và An-12 "Cub".
Định danh NATO dành cho các loại trực thăng Nga sẽ bắt đầu bằng chữ H (Helicopter), chẳng hạn Mi-24 "Hind", Mi-28 "Havoc" và Mi-26 "Hoodlum".
Tuy nhiên, cũng theo ông Kots, nếu chiểu theo quy tắc này thì có người chắc chắn sẽ thắc mắc rằng tại sao họ (NATO) lại định danh máy bay cường kích hay máy bay tấn công mặt đất (Ground attack aircraft) Su-25 là "Frogfoot".