Nga-Ukraine đang "căng như dây đàn", Thổ Nhĩ Kỳ lại đến "phá bĩnh"?

Trương Mạnh Kiên |

Khi biên giới Nga đang có nguy cơ xảy ra một cuộc chiến không khoan nhượng với Ukraine, Moscow lại "nóng mặt" khi người bạn Thổ Nhĩ Kỳ cũng đến góp phần.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến thăm Istanbul vào cuối tuần qua để kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ, đờng thời tăng cường kêu gọi hỗ trợ từ nước láng giềng Biển Đen khi căng thẳng leo thang với Nga gần biên giới.

"Sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với khôi phục chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi là vô cùng quan trọng", ông Zelensky tuyên bố trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Trong khi Mỹ và các nước châu Âu bất đồng với Thổ Nhĩ Kỳ xoay quanh thương vụ mua hệ thống tên lửa S-400 do Nga sản xuất, Ukraine lại chú trọng vào phát triển mối quan hệ chặt chẽ với Ankara.

Nga-Ukraine đang căng như dây đàn, Thổ Nhĩ Kỳ lại đến phá bĩnh? - Ảnh 1.

S-400 của Nga ở khu vực Kaliningrad.

Chuyến thăm hôm 12/4 đánh dấu chuyến công du thứ hai của nhà lãnh đạo Ukraine tới Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng chưa đầy sáu tháng.

Bilgehan Ozturk, nhà phân tích của Tổ chức SETA, cho biết việc Nga sáp nhập Crimea là một yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với mối quan hệ của Ankara với Moscow và cách nước này nhìn nhận cán cân quyền lực ở Biển Đen.

Tranh cãi S-400

Thương vụ S-400 đã trở thành vấn đề bất đồng kéo dài nhất trong mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây. Nhưng khi nhìn ở chiều hướng khác, một hệ thống tiên tiến như vậy nằm trong tay Nga cũng là một thách thức nghiêm trọng đối với an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, nước này đã ngay lập tức triển khai S-400 tại đó. Moscow cũng tập trung xây dựng lực lượng hải quân, gồm tàu ngầm và tàu trang bị tên lửa hành trình Kalibr có khả năng đánh chặn mục tiêu ở khoảng cách 2.400km.

Hãy nhớ rằng, thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ cách khoảng 600km từ Crimea.

Những con số đo lường khoảng cách nói trên đã dẫn đến một bài phát biểu năm 2016 của Tổng thống Erdogan, khi ông tuyên bố Biển Đen đang trở thành “cái hồ của Nga” và cảnh báo “nếu không hành động, lịch sử sẽ không tha thứ cho chúng ta”.

Erdogan đã ủng hộ sự hiện diện mạnh mẽ hơn của NATO trong khu vực giữa lúc Nga tăng cường quy mô hạm đội hải quân. Gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã coi Biển Đen là một bước tiến lớn đối với sự độc lập về năng lượng.

Vào tháng 10/2020, Ankara công bố phát hiện 405 tỷ mét khối khí đốt ngoài khơi bờ biển, đây là phát hiện lớn nhất trong lịch sử đất nước.

“Mục tiêu chính của chúng tôi là giúp Biển Đen tiếp tục là một vùng biển hòa bình, yên tĩnh và hợp tác”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, phát biểu bên cạnh người đồng cấp Ukraine tại cuộc họp báo hôm 12/4.

Công nghệ quân sự

Nga-Ukraine đang căng như dây đàn, Thổ Nhĩ Kỳ lại đến phá bĩnh? - Ảnh 3.

Thổ Nhĩ Kỳ đang nổi danh với năng lực máy bay không người lái.

Ankara nhìn nhận Ukraine là vùng đệm quan trọng chống lại Nga và là bên ủng hộ mạnh mẽ nước này gia nhập liên minh NATO

Gần đây, hai nước đang hợp tác trong một loạt các dự án và thỏa thuận quốc phòng. Năm ngoái, Ukraine đồng ý mua 4 tàu hộ tống lớp MILGEM của Thổ Nhĩ Kỳ, loại tàu chiến nhỏ nổi tiếng với khả năng di chuyển linh hoạt.

Đối mặt với sự bất mãn ngày càng tăng ở các nước phương Tây, Ankara coi Ukraine như một đối tác trong phát triển công nghệ quân sự từ vệ tinh, radar đến tên lửa.

Các chuyên gia cho rằng một trong những lĩnh vực hợp tác tiên tiến nhất giữa hai nước là sản xuất và thiết kế động cơ. Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc với các công ty Ukraine để phát triển động cơ diesel cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và xe tăng chiến đấu chủ lực.

Tuy nhiên, việc Ukraine mua máy bay chiến đấu không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ mới là điều mà các chuyên gia quân sự và nhà phân tích đang theo dõi sát sao, đặc biệt khi căng thẳng ở miền Đông Ukraine nóng lên.

Thổ Nhĩ Kỳ đã định vị mình như một quốc gia chuyên xuất khẩu UCAV (máy bay chiến đấu không người lái) và thúc đẩy hiệu quả thứ vũ khí này trên các chiến trường ở Syria, Libya và Nagorno-Karabakh.

Trong các cuộc xung đột thời gian qua, máy bay không người lái Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ được giới quan sát ghi nhận là đã giúp nghiêng cán cân quyền lực về phía Azerbaijan trong cuộc chiến với Armenia.

Máy bay không người lái

Năm 2018, Ukraine đã mua 6 máy bay không người lái Bayraktar TB-2 và 200 tên lửa chính xác cao từ Thổ Nhĩ Kỳ như một phần của thỏa thuận quốc phòng trị giá 69 triệu USD.

Các chuyên gia quân sự Ukraine đã nghiên cứu kỹ lưỡng chiến thuật sử dụng máy bay không người lái ở Nagorno-Karabakh. Họ tin rằng có những điểm tương đồng giữa cuộc chiến của Azerbaijan và Armenia với cuộc chiến của Ukraine ở Donbass.

“Chúng tôi biết rằng năng lực của Nga là không đủ khi đối mặt với máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng sẽ giành thế thượng phong cho các lực lượng Ukraine. Lực lượng ly khai có lợi thế nhưng họ không có khả năng ngăn chặn các UAV mới”, chuyên gia Ozturk nêu quan điểm.

Sau 7 năm xung đột với phe ly khai, Ukraine tỏ ra nóng lòng muốn thử nghiệm công nghệ mới của Thổ Nhĩ Kỳ trên chiến trường và xem liệu điều đó có thể dẫn đến việc giành lại lợi thế lãnh thổ hay không.

Sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ

Vài ngày qua, Nga cáo buộc Ukraine đang cố gắng kích động xung đột, trong khi Kiev cáo buộc phe ly khai đang gia tăng các cuộc tấn công chống lại lực lượng chính phủ và Moscow đang tập trung quân đội ở gần biên giới.

Tổng thống Erdogan kêu gọi chấm dứt căng thẳng gia tăng ở miền Đông Ukraine nhưng cũng khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng hỗ trợ cần thiết cho Kiev.

Chuyên gia Ozturk cho biết sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ bao gồm các cố vấn và kỹ thuật viên được cử đến Ukraine giống như trường hợp ở Azerbaijan. “Sự kết hợp sẽ đến từ chiến thuật sử dụng UCAV và đội ngũ dày dạn kinh nghiệm”, ông nói.

Máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai ở miền Đông Ukraine cho phép Ankara mang khả năng quân sự của mình tới một cuộc chiến tranh đang nóng hổi ở sát biên giới Nga.

Cơ hội mang lại mô hình thành công giữa máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ và kinh nghiệm quân sự đã dẫn đến chiến thắng ở Nagorno-Karabakh chắc chắn hấp dẫn những cá nhân ưa mạo hiểm ở Kiev và Ankara, tờ Al Jazeera nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại