Phát biểu tại cuộc họp báo hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, ông sẽ cố gắng đảm bảo xung đột ở Ukraine kết thúc càng sớm càng tốt thông qua những giải pháp ngoại giao.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo ở Điện Kremlin, Moskva ngày 22/12. Ảnh: AFP
"Mục tiêu của chúng tôi không phải duy trì xung đột quân sự, mà ngược lại, đó là chấm dứt cuộc chiến này. Chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo rằng tất cả sẽ kết thúc, và tất nhiên càng sớm càng tốt. Tôi đã nhiều lần nói rằng, gia tăng chiến sự sẽ chỉ dẫn đến những tổn thất không cần thiết. Tất cả các cuộc xung đột vũ trang đều kết thúc cách này hay cách khác thông qua đàm phán bằng con đường ngoại giao. Sớm hay muộn, bất kỳ bên nào trong tình trạng xung đột cũng sẽ phải ngồi xuống và thỏa thuận. Chúng tôi chưa bao giờ từ bỏ đàm phán".
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên phía Nga tuyên bố muốn đàm phán hòa bình và chấm dứt xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tuyên bố trên được chính người đứng đầu nước Nga khẳng định tại cuộc họp báo cuối năm nay, sau khi xung đột tại Ukraine đã bước sang tháng thứ 10 liên tiếp.
Cuộc xung đột kéo dài ảnh hưởng không chỉ đến Ukraine và Nga mà còn tác động đến cả thế giới, nhất là trong lĩnh vực an ninh lương thực và an ninh năng lượng. Với tuyên bố của người đứng đầu nước Nga, cơ hội cho hòa bình tại Ukraine đã bắt đầu le lói.
Trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa có chuyến thăm Mỹ trở về nhằm kêu gọi sự hỗ trợ vũ khí của Mỹ và Bộ trưởng Tài chính của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) cùng ngày cũng ra tuyên bố chung sẵn sàng nỗ lực nhiều hơn nữa để hỗ trợ Ukraine về mặt tài chính, đồng thời kêu gọi các nhà tài trợ khác tăng hỗ trợ, có thể thấy tuyên bố của người đứng đầu nước Nga là một quyết định mang lại nhiều hi vọng. Đó không chỉ là hi vọng thắp sáng cơ hội hòa bình mà còn góp phần dập tắt nguy cơ chiến tranh tiếp tục bùng phát mạnh hơn khi phương tây tiếp tục tăng cường viện trợ cho Ukraine.
Đây cũng là điều mà những người yêu chuộng hòa bình mong đợi ở các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine. Ngay tại cuộc họp báo cuối cùng của năm 2022, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hết sức để đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine trước cuối năm 2023, nhằm giảm thiểu những tác động đối với hai bên cũng như đối với nền kinh tế toàn cầu. Ông cũng cho biết, Liên Hợp Quốc sẽ tích cực làm việc để đưa ra những nền tảng đối thoại cho cuộc xung đột ở Ukraine nhằm giảm thiểu các tác động.
“Tôi rất tin tưởng rằng trong năm 2023, chúng ta sẽ đạt được hòa bình ở Ukraine. Tôi đã nhiều lần đề cập đến những hậu quả của xung đột đối với người dân Ukraine, những hậu quả đối với xã hội và nền kinh tế Nga, những hậu quả đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển khi mà giá lương thực và năng lượng cao, cùng với tất cả những khó khăn khác. Như tôi cũng đã đề cập đến việc thiếu không gian tài khóa và tình trạng bất bình đẳng gia tăng nghiêm trọng mà các nước đang phát triển đang phải gánh chịu, tất cả những điều này là lý do để chúng ta cần làm mọi thứ có thể để đưa ra một giải pháp hòa bình trước cuối năm 2023”, ông Guterres nói.
Cùng với thiện chí của Nga, điều mà thế giới và những người yêu chuộng hòa bình mong đợi nhất lúc này chính là thiện chí của Ukraine trong việc chấm dứt xung đột. Khi tư tưởng của các bên cùng chung suy nghĩ, hi vọng cho Ukraine sẽ có cơ hội được thắp sáng ngay trong Năm mới 2023./.