Máy bay Tu-214ON của Nga. Ảnh: Wikipedia
Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Sáu, 15/1, thông báo: “Vì không có tiến bộ trong quá trình đàm phán về việc tiếp tục hiệp ước Bầu trời mở trong tình hình mới, nên chúng tôi thông báo sẽ bắt đầu quá trình rút khỏi hiệp ước này.”
Trong thông báo, cơ quan ngoại giao Nga nói thêm rằng “Mỹ đã ngạo mạn phớt lờ các đề xuất của chúng tôi để giải quyết những vấn đề này”.
Lí do chính dẫn đến động thái của Moscow, theo RT, là do Nga không đảm bảo được rằng thành viên khối quân sự NATO sẽ không cung cấp các thông tin mà họ thu thập được cho Mỹ.
Hồi tháng 5 năm ngoái, Tổng thống Donald Trump xác nhận rằng Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước Bầu trời mở - vốn là một thỏa thuận xây dựng lòng tin quan trọng giữa Nga với các nước phương Tây từ thời kì cuối Chiến tranh lạnh.
Hiệp ước được đề xuất vào năm 1955 bởi Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower, và được ký kết vào năm 2002. Mục đích của hiệp ước là cho phép các thành viên thực hiện các chuyến bay do thám đôi bên cùng có lợi, giảm nguy cơ nghi ngờ và hiểu lầm dẫn đến xung đột quân sự.
Mỹ hoàn tất việc rút khỏi hiệp ước vào tháng 11/2020, sau khi cáo buộc Nga vi phạm một số điều khoản, bao gồm việc từ chối các chuyến bay qua các khu vực nhạy cảm, và không cho phép chuyên gia nước ngoài đến quan sát các cuộc tập trận quân sự.
Moscow phủ nhận những tuyên bố này, và cáo buộc Mỹ có ý định sử dụng thông tin tình báo được thu thập từ chuyến bay của các thành viên NATO vẫn tham gia hiệp ước, trong khi ngăn các máy bay do thám của Nga thu thập dữ liệu tương tự về Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích Washington vì quyết định đơn phương rút khỏi Bầu trời mở.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ sắp nhậm chức Joe Biden từng gọi việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận là thiển cận. Ông Biden tuyên bố sẽ tìm cách tái gia nhập hiệp ước.
Tuy nhiên, việc này có thể sẽ gặp khó khăn, vì Mỹ có thể sẽ phải đồng ý với bất cứ điều khoản sửa đổi nào mà các thành viên còn lại đưa ra. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ cho ngừng hoạt động hoặc bán các máy bay giám sát từng được nước này sử dụng cho hiệp ước Bầu trời mở.