Nga, Trung đứng trước rủi ro nào nếu bán vũ khí cho Philippines?

Thiên Minh |

Tổng thống Philippines Duterte đã đề xuất Bộ Quốc phòng nước này xem xét khả năng mua vũ khí từ Nga và Trung Quốc.

Chúng có lẽ sẽ thay thế các loại khí tài do Mỹ cung cấp, chiếm phần lớn trong kho vũ khí của Philippines suốt một thời gian dài.

Theo tạp chí Diplomat, động thái này là một phần trong cam kết lâu dài của ông Duterte nhằm cân nhắc lại vai trò của Philippines ở Đông Nam Á.

Nhu cầu về trang thiết bị quân sự hiện đại của Philippines khá lớn, mặc dù nước này có nguồn lực tương đối ít ỏi. Trong những năm gần đây, Manila tập trung trang bị trực thăng, máy bay hạng nhẹ, tàu tuần tra hạng nhẹ và nhiều loại đạn dược. Phần lớn trong số này do Mỹ cung cấp, mặc dù Nhật Bản cũng hỗ trợ phần nào tham vọng hàng hải của Manila.

Tuy nhiên, Nga hoặc Trung Quốc cũng đều có thể đáp ứng các nhu cầu tương đối khiêm tốn này của Philippines. Máy bay chiến đấu JF-17 do Trung Quốc-Pakistan hợp tác sản xuất sẽ "vừa khít" với yêu cầu của Manila, tương tự như mẫu MiG-29 nâng cấp của Nga (trước đây ông Duterte từng chỉ trích thỏa thuận mua các chiến đấu cơ F-16 được hiện đại hóa của Mỹ).

Nhìn chung, mặc dù việc thâu tóm thị trường quân sự Philippines sẽ chỉ sinh lợi ở mức độ vừa phải nhưng nó vẫn thu hút các tổ hợp công nghiệp-quốc phòng của Trung Quốc hoặc Nga.

Mối quan hệ bất ổn giữa Manila và Washington có thể dẫn tới nhiều vấn đề khác, trong đó có vấn đề chuyển giao công nghệ.

Nga, Trung đứng trước rủi ro nào nếu bán vũ khí cho Philippines? - Ảnh 1.

Máy bay huấn luyện-chiến đấu hạng nhẹ KAI T-50.

Philippines là một trong những khách hàng lớn của mẫu máy bay huấn luyện-chiến đấu hạng nhẹ KAI T-50 Golden Eagle do Hàn Quốc sản xuất. Song, do KAI hợp tác với tập đoàn Lockheed Martin để phát triển chương trình này nên Mỹ sẽ có quyền phủ quyết thỏa thuận xuất khẩu T-50 sang nước khác.

Mặc dù điều đó có thể sẽ không ảnh hưởng tới tiến độ chuyển giao hiện tại cho Manila nhưng trong mọi trường hợp, đây sẽ là một nước cờ lớn mà Mỹ có thể lựa chọn, đó là giữ các máy bay T-50 làm "con tin".

Tất nhiên, do ông Duterte từng kịch liệt chỉ trích kế hoạch mua T-50 nên vẫn có khả năng sự phủ quyết của Mỹ không tác động được nhiều tới quyết định của vị Tổng thống Philippines.

Bên cạnh đó, Diplomat nhận định, Nga và Trung quốc cũng sẽ có rủi ro nếu coi cam kết mua thiết bị quân sự của ông Duterte là nghiêm túc.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã có mối quan hệ sâu sắc, lâu dài với quân đội Philippines và mối quan hệ đó sẽ không thể bị hủy hoại chỉ trong một đêm. Washington đã có cơ hội tiếp cận với các thiết bị quân sự tiên tiến của Nga thông qua các cuộc tập trận với nhiều quốc gia đối tác như Malaysia, Indonesia và Ấn Độ.

Nếu sau này, Philippines thấy rằng việc quay trở lại liên minh với Mỹ có giá trị hơn thì khi đó, khí tài quân sự của Nga hoặc Trung Quốc sẽ có nguy cơ bị Washington "khảo sát" kỹ lưỡng hơn nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại