Newsweek đưa tin, Trung Quốc và Nga mới đây đã chỉ trích lệnh cấm vận của Mỹ đối với Venezuela, đồng thời gọi đó là một nỗ lực tuyệt vọng để cứu rỗi một chính sách có vấn đề nhằm lật độ chính phủ hiện tại của quốc gia Mỹ Latin.
Hồi đầu tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh trong đó "chặn tất cả tài sản và lợi ích thuộc về Chính phủ Venezuela nằm trong quyền hạn của Mỹ", trừng phạt những người ủng hộ Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro cũng như gia tăng sức ép lên các lợi ích của Bắc Kinh và Moscow tại Venezuela.
Những người ủng hộ Tổng thống Maduro biểu tình phản đối các trừng phạt từ Washington (ảnh: getty)
Phát biểu hôm thứ tư (7/8), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng, Mỹ đang can thiệp vào các vấn đề đối nội của Venezuela và "vi phạm nghiêm trọng các quy tắc cơ bản" trong quan hệ quốc tế.
"Đảng chính trị nào điều hành đất nước là vấn đề đối nội của một quốc gia và nên được quyết định bởi người dân của nước đó", bà Hoa nhấn mạnh. "Một đất nước hợp tác với ai cũng nên do đất nước đó tự mình quyết định… Thực tế và thời gian đã chứng minh trừng phạt sẽ không bao giờ giúp giải quyết vấn đề Venezuela".
"Thay vào đó, chúng sẽ chỉ làm gia tăng nguy cơ tình huống vượt ra ngoài kiểm soát", người phát ngôn cảnh báo.
"Trung Quốc yêu cầu Mỹ đối mặt với cốt lõi của vấn đề Venezuela, quay trở lại con đường đúng đắn là tôn trọng luật pháp quốc tế, ủng hộ cho tiến trình đối thoại của chính phủ Venezuela và lực lượng đối lập. Mỹ nên để người dân Venezuela quyết định tương lai của họ…"
Các công ty Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào ngành năng lượng Venezuela – quốc gia được coi là có trữ lượng dầu mỏ hàng đầu thế giới, ngay cả khi nền kinh tế dưới thời Tổng thống Maduro bắt đầu sụp đổ và trừng phạt từ Mỹ càng khiến khủng hoảng tài chính thêm trầm trọng.
Các thỏa thuận cho vay đổi lấy dầu góp phần giúp cho nhà lãnh đạo Venezuela "đứng vững", trong khi Washington không ngừng tăng cường nỗ lực thay thế ông Maduro bằng lãnh đạo phe đối lập Juan Guaidó.
Một chiếc máy bay Ilyushin Il-62M của không lực Nga đang đậu trước một chiếc máy bay chở hàng BOeing 747 của hãng Yangtze River Express Airlines, Trung Quốc - mang theo dược phẩm và thiết bị y tế tại sân bay quốc tế Simon Bolivar International Airport vào ngày 29/3 tại Maiquetia, Venezuela. (ảnh: getty)
Không chỉ vượt qua Mỹ trở thành khách hàng mua dầu mỏ lớn nhất của Venezuela, Trung Quốc còn liên tục bày tỏ sự phản đối trước các động thái của Washington tại quốc gia Mỹ Latin.
Bà Hoa miêu tả vị thế của Bắc Kinh trong vấn đề Venezuela là "trong sạch và kiên định" trong "mối quan hệ hợp tác Trung Quốc-Venezuela đã được tiến hành với sự công bằng, lợi ích chung, kết quả hai bên cùng có lợi và nguyên tắc thị trường", đồng thời "quan hệ hợp tác hợp pháp và chính đáng như vậy đã đem tới các lợi ích cho người dân cả hai nước và không chịu sự can thiệp từ các bên khác".
Người phát ngôn viên Trung Quốc tuyên bố: "Chúng tôi khuyên Mỹ rút ra bài học từ lịch sử và ngay lập tức từ bỏ việc gieo rắc bất hòa".
Trong thế lực phía sau ông Maduro còn có sự hiện diện của đối thủ quân sự hàng đầu của Mỹ, Nga. Kể từ khi khủng hoảng chính trị Venezuela bùng phát, Moscow vẫn duy trì "hợp tác kỹ thuật quân sự' với Caracas và cam kết tiếp tục gửi các quân nhân quốc phòng tới Venezuela, cũng như tiến hành các hợp đồng dầu mỏ bất chấp đe dọa từ Washington.
Phản ứng trước quyết định mới nhất của chính quyền Trump, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Kazkharova nói hôm thứ ba (6/8) chỉ trích, "Washington tiếp tục thực hiện chủ nghĩa khủng bố kinh tế chống lại Caracas", và "những bước đi này là trái với pháp lý nếu nhìn từ luật pháp quốc tế và luật pháp Venezuela".
"Rõ ràng, các chiến lược gia người Mỹ đã tính sai mức độ ủng hộ cho Tổng thống hợp hiến [của Venezuela] và sự sẵn sàng của ông ấy để bảo vệ cho nền độc lập của đất nước mình", bà Zakharova nói trước báo giới.
"Washington đang dựa trên những nỗ lực khiến cho nền kinh tế xã hội Venezuela thêm trầm trọng", bằng cách áp đặt "các lệnh cấm vận nghiệt ngã không phân biệt, đầu tiên là ảnh hưởng tới phần dân số dễ bị thương tổn nhất, bao gồm người cao tuổi, người có sức khỏe kém và trẻ em".
Người phát ngôn Nga cũng trích dẫn các số liệu từ các nhà kinh tế là Jeffrey Sachs và Mark Weisbrot – tác giả của một báo cáo công bố hồi tháng Tư cho Trung tâm nghiên cứu chính sách và kinh tế. Theo đó, "khoảng hơn 40.000 người đã thiệt mạng từ năm 2017 – 2018" tại Venezuela liên quan tới các trừng phạt của Mỹ.
Chia sẻ với trang Newsweek một tháng trước khi bản báo cáo ra mắt, ông Weisbrot tỏ ý không hài lòng với một số chính sách của Tổng thống Maduro.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ là "vấn đề chính" do nhiều lý do: làm giảm sản lượng dầu, hạn chế nhập khẩu bao gồm cả các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc men…, cắt giảm tín dụng gây nên suy thoái sau đó là siêu lạm phát…