Sự tương phản vừa bất ngờ vừa rõ ràng. Trong khi ở Florida (Mỹ), Tổng thống Donald Trump tiếp đón chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tung hô "tình hữu nghị" giữa hai người và hai nước thì ông Trump cho không kích bằng tên lửa vào một sân bay quân sự ở Syria.
Đây là cuộc tấn công quân sự trực tiếp đầu tiên của Mỹ nhằm vào chính quyền Bashar al-Assad kể từ khi nội chiến bùng phát ở Syria năm 2011, trong ý thức rằng làm như thế không thể không ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ của Mỹ với Nga, cho dù mối quan hệ này hiện không được êm thấm và phía Mỹ có thông báo trước cho Nga về vụ không kích.
Không bất ngờ sao được khi ông Trump xưa nay vốn không tiếc lời phê trách những chính trị gia và chức sắc ở Mỹ chủ trương và hậu thuẫn gây dựng cho nước Mỹ vai trò của "sen đầm thế giới".
Khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" của ông Trump được hiểu là Mỹ không còn theo đuổi mục tiêu "thay đổi thể chế chính trị" ở nước ngoài. Vừa mới đây thôi, chính quyền của ông Trump còn công khai tuyên bố không bám giữ vào điều kiện tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi.
Sự khác biệt rõ nét này và việc ông Trump quyết định hành động quân sự khi sự thật về việc sử dụng chất độc hoá học ở Syria vẫn còn đang được tìm kiếm cho thấy mục đích chính mà ông Trump theo đuổi không phải là tuyên chiến chính thức với chính phủ Syria.
Cũng chẳng phải ông muốn khởi đầu chiến dịch quân sự cũng như chính trị mà mục tiêu cuối cùng là loại trừ ông Assad ở Syria hay tranh giành vai trò dẫn dắt, chi phối và quyết định tình hình ở Syria với Nga. Ông Trump làm vậy trước hết chỉ nhằm phô trương sức mạnh và thị uy.
Tổng thống Trump muốn thể hiện hình ảnh khác biệt hoàn toàn người tiền nhiệm.
Khi xưa, ông Barack Obama đưa ra "chỉ giới đỏ" nhưng rồi không hành động quân sự ở Syria. Bây giờ, ông Trump cho rằng chính phủ Syria đã vượt qua nhiều chỉ giới đỏ. Một khi đã quả quyết như thế thì ông Trump chẳng khác gì đã đâm lao phải theo lao.
Cũng không loại trừ khả năng ông Trump dùng cuộc không kích vào Syria để phát đi cả thông điệp về phía ông Tập Cận Bình và Triều Tiên là phía Mỹ không doạ xuông.
Cho tới nay, Nga đã hiện diện quân sự trực tiếp và triển khai chiến lược ở Syria đến mức Mỹ và đồng minh không còn có thể muốn làm gì cũng có thể làm được ở Syria. Syria đối với Mỹ và đồng minh trên phương diện này khác biệt cơ bản so với Afghanistan, Iraq hay Libya.
Với hệ thống phòng thủ tên lửa đã được triển khai, Nga có thể cản phá mọi cuộc không kích từ bên ngoài vào Syria. Ông Trump và cộng sự nhận thức được điều ấy nên đã phải thông báo trước cho Nga về ý định tiến hành cuộc không kích.
Cũng chính bởi khả năng quân sự của Nga và vai trò chính trị của Nga trong việc giải quyết hoà bình vấn đề Syria mà phía Mỹ chắc chắn phải suy nghĩ kín kẽ vài ba lần trước khi tiến hành hoạt động quân sự nhằm vào quân đội chính phủ Syria.
Vụ không kích vừa rồi của Mỹ đương nhiên không thể không ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Mỹ và Nga vì Mỹ tấn công đồng minh của Nga ở Syria.
Hai bên có thể sẽ khẩu chiến quyết liệt trên dư luận nhưng trong thực chất thì mức độ tác động cũng chỉ có hạn. Nếu Mỹ tiếp tục thì mới khác.
Phía Nga chắc đã hiểu rằng ông Trump cần có cuộc không kích để khai thác và tận lợi tác động chính trị và tâm lý của nó chứ không phải cần kết quả là dùng gần 60 quả tên lửa đắt tiền để gây thiệt hại khó kiểm chứng cho một sân bay quân sự của Syria.
Phía Nga cũng thừa biết rằng ông Trump và cộng sự hiện chưa có chiến lược rõ ràng cho Syria và chừng nào vẫn còn như vậy thì chừng đó chỉ can dự hạn chế bằng quân sự vào Syria.
Ấy là còn chưa nói đến việc ông Trump đang dùng những chuyện đối ngoại và an ninh với một số đối tác để dư luận ở Mỹ bớt xoáy vào thành tựu cầm quyền quá nghèo nàn của mình trong thời gian qua.
Cho nên Nga sẽ tập trung đấu Mỹ trên các diễn đàn quốc tế và đòi cộng đồng thế giới tiến hành điều tra vụ sử dụng chất độc hoá học. Ông Trump cáo buộc chính phủ Syria sử dụng chất độc hoá học trong khi công việc điều tra của Tổ chức cấm vũ khí hoá học của LHQ (OPCW) chưa được tiến hành.
Nếu rồi đây kết quả điều tra cho thấy ai đó khác chứ không phải phía chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hoá học thì thật sẽ rất bẽ bàng đối với ông Trump và khi ấy Mỹ càng thất thế hơn so với Nga ở Syria.
Trong quan hệ giữa các quốc gia cũng như trong cuộc sống của con người, cái gì quá giới hạn thì cũng đều lợi bất cập hại.