Nga thử siêu vũ khí có thể đe dọa mục tiêu "yết hầu" của Mỹ

Công Thuận |

Vũ khí mới của Nga có thể làm xói mòn ưu thế thương mại, quân sự của Mỹ trong không gian. Các mục tiêu tiềm tàng của nó có thể là những vệ tinh giám sát, định vị và thông tin liên lạc mà Mỹ đang dựa vào để tiến hành chiến tranh.

Quân đội Nga mới đây đã thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh (ASAT) - loại tên lửa có thể bay vào quỹ đạo ở tầm thấp và phá hủy được các vệ tinh định vị và liên lạc chiến lược của Mỹ.

Theo giới chức Lầu Năm Góc, vụ thử tên lửa PL-19 Nudol trên diễn ra ngày 16/12 tại một căn cứ ở miền Trung nước Nga. Đây là vụ thử tên lửa Nudol thứ năm và là lần thử thành công thứ ba liên tiếp của Nga.

Người phát ngôn đơn vị Không quân số 14 Mỹ chuyên giám sát các hệ thống không gian đã từ chối bình luận cụ thể về vụ thử tên lửa trên của Nga. Ông nói: "Chúng tôi giám sát những phóng tên lửa trên toàn cầu, nhưng chúng tôi thường không thảo luận cụ thể đối với những vụ phóng này".

Theo trang mạng Daily Beast của Mỹ cuối tuần, vụ thử nghiệm này có lẽ là dấu hiệu mới nhất về ý định của Nga, có thể tạo ra mối đe dọa đối với hàng trăm tàu vũ trụ, vệ tinh của chính phủ cũng như của các công ty tư nhân Mỹ, làm xói mòn ưu thế thương mại, quân sự của Mỹ trong không gian.

Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, không có gì lạ khi Moskva tìm cách phát triển một loại vũ khí như vậy do việc tấn công được những thiết bị của Mỹ trên không gian sẽ là phương thức hiệu quả để làm gián đoạn hoạt động của quân đội Mỹ.

Ông Mark Schneider, từng là chuyên gia hoạch định chính sách vũ khí chiến lược ở Lầu Năm Góc, bình luận: "Mối đe dọa từ loại vũ khí chống vệ tinh là rất nghiêm trọng. Nó có thể khiến chúng ta thất bại trong cuộc xung đột, nếu có.

Trong trường hợp hệ thống định vị toàn cầu (GPS) bị vô hiệu hóa, tất cả tên lửa hành trình tấn công tầm xa truyền thống sẽ trở nên vô dụng. Ngoài ra, chức năng của một loạt vũ khí dẫn đường chính xác của chúng ta cũng bị giảm sút. Mỹ bước đầu thực hiện các biện pháp để giảm bớt sự phụ thuộc vào GPS nhưng điều này đòi hỏi nhiều thời gian".

Theo Daily Beast, nếu các vụ thử ASAT thành công và Nga triển khai vũ khí này, các mục tiêu tiềm tàng của nó có thể sẽ là những vệ tinh giám sát, định vị và thông tin liên lạc mà Mỹ đang dựa vào để tiến hành chiến tranh, cũng như nền kinh tế Mỹ đang dựa vào như sự điều hướng, phát sóng truyền hình,...

Mỹ hiện sở hữu gần một nửa trong số khoảng 1.000 vệ tinh đang hoạt động trên thế giới, nhiều hơn bất kỳ một quốc gia nào khác.

Cả Nga và Trung Quốc trong những năm gần đây đã tăng cường nỗ lực nhằm đối phó với lợi thế về số lượng trên của Mỹ. Ba nước này đã triển khai những vệ tinh "giám sát' cỡ nhỏ để theo dõi và sẵn sàng đe dọa các vệ tinh cũng như tàu vũ trụ của đối phương.

Moskva tuyên bố hệ thống vũ khí thử nghiệm này là để phòng thủ, được dùng để chống lại tên lửa đạn đạo đang bay đến của kẻ thù.

Nhưng theo chuyên gia Jeffrey Lewis thuộc các chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân của Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, không có sự khác biệt lớn giữa vũ khí chống vệ tinh và tên lửa đánh chặn với mục đích phòng thủ. Hệ thống vũ khí trên có thể thực hiện cả hai nhiệm vụ.

Nga từng chứng tỏ nước này có khả năng phóng vũ khí chống vệ tinh, như trong 2 lần thử vào năm ngoái. Không có thông tin chính xác về địa điểm thực hiện vụ thử nghiệm mới nhất trên, nhưng các lần trước đó được tiến hành ở bãi thử nghiệm Plesetsk, cách Moskva gần 800km.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại