Nga, Thổ, Iran "xóa sổ" rào cản chính trị: Ngăn Ildib vỡ trận

Quý Hoàng |

Các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran hôm thứ Hai tuyên bố họ đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về thành phần của Ủy ban viết lại hiến pháp Syria.

Xây dựng lại hiến pháp Syria là một bước đi trong tiến trình chính trị giải quyết cuộc xung đột tại Syria - hiện đã là năm thứ chín, theo AP.

Đột phá về ủy ban hiến pháp

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu với các nhà báo vào cuối cuộc họp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Hassan Rouhani ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ rằng những khác biệt về thành viên cuối cùng của ủy ban đã được khắc phục, mở đường cho ủy ban bắt đầu làm việc sớm nhất có thể.

"Chúng tôi đề cập tới một thái độ mang tính xây dựng và linh hoạt để xác định các thành viên ủy ban hiến pháp và quy trình làm việc.

Chúng tôi đã nỗ lực để tiến trình chính trị đạt được bước tiến. Tóm lại, những khó khăn liên quan đến việc thành lập ủy ban đã được gỡ bỏ bởi những nỗ lực chung của chúng tôi", ông Erdogan nói.

Các nhà lãnh đạo đã không đưa ra khung thời gian hoạt động của ủy ban này - gồm các nhân vật trong chính phủ Syria và phe đối lập - để bắt đầu các thủ tục làm việc. Các quy tắc về mặt thủ tục vẫn phải được thực hiện, ông Putin nói với các phóng viên.

"Quá trình làm việc phải nhanh chóng bắt đầu," ông Putin nói. "Các nhóm cực đoan có thể cố gắng và phá hủy quá trình này bởi vì chúng không muốn thấy một thỏa thuận cuối cùng khi chúng còn đang kiếm được tiền từ chiến tranh."

Nga và Iran là đồng minh chủ chốt của Tổng thống Syria Bashar Assad trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ phe nổi dậy Syria.

Ông Rouhani cho biết ông hy vọng cuộc bầu cử ở Syria sẽ diễn ra vào năm 2020 hoặc 2021.

Các nhà lãnh đạo cũng đồng ý giảm leo thang tình hình bất ổn ở Idlib - thành trì cuối cùng của phe nổi dậy ở Syria - đồng thời chống lại những lực lượng cực đoan và bảo vệ thường dân. Một lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào cuối tháng 8 đã được thực hiện, dù còn một số hành động vi phạm.

Nga, Thổ, Iran xóa sổ rào cản chính trị: Ngăn Ildib vỡ trận - Ảnh 2.

Xung đột tại Ildib leo thang đã khiến 3 nhà lãnh đạo phải xúc tiến nhóm họp và giải quyết. Ảnh: ahvalnews.

Khu vực Idlib lâu nay bị chi phối bởi nhóm cực đoan Hayat Tahrir al-Sham liên kết với al-Qaida. Các lực lượng Syria, được Nga hậu thuẫn, đã nhắm vào nhóm vũ trang này trong các cuộc tấn công trên bộ và trên không trong bốn tháng, tuy nhiên, nhiều người dân đã bị đe dọa bởi cuộc chiến này. Hàng trăm ngàn người Syria trên khắp các khu vực bị xung đột tàn phá đã phải di tản, trong đó, một số người đã di chuyển về phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc xung đột lớn ở Idlib đã gia tăng khả năng đẩy một dòng người tị nạn ồ ạt đến Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đang phải hỗ trợ cho 3,6 triệu người tị nạn Syria.

Ngăn nguy cơ về dòng người tị nạn

"Chúng tôi không thể đứng yên và chứng kiến một thảm kịch mới sẽ ảnh hưởng đến 4 triệu người ngay bên cạnh biên giới của chúng tôi", ông Erdogan nói và cho biết thêm: "Diễn biến thảm khốc như vậy sẽ không chỉ ảnh hưởng đến đất nước chúng ta mà còn cả châu Âu".

Một tuyên bố chung được đưa ra vào cuối cuộc họp cho biết ba nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết phải "thực hiện đầy đủ" một thỏa thuận đã đạt được giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vào năm ngoái đối với khu vực giảm leo thang ở Idlib.

Tuyên bố nói rằng các bên đã đồng ý thực hiện các bước đi cụ thể để giảm các hành động vi phạm lệnh ngừng bắn. "Họ cũng nhấn mạnh sự báo động" về nguy cơ xấu đi của tình hình nhân đạo ", theo tuyên bố chung.

Ông Erdogan trước đây đã cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể "mở các cửa" và cho phép người Syria đang sống ở đất nước này tràn vào các nước phương Tây nếu Thổ Nhĩ Kỳ phải một mình chịu gánh nặng tị nạn.

Cuộc hội đàm hôm thứ Hai là cuộc gặp ba bên lần thứ năm giữa các quốc gia đang sát cánh cùng hai phe đối lập nhau trong cuộc xung đột.

Ông Erdogan lặp lại yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Mỹ về một khu vực gọi là "vùng an toàn" ở phía đông bắc Syria - dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở phía đông sông Euphrates, nơi các cuộc tuần tra chung đã bắt đầu.

Dù vậy, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng đe dọa sẽ hành động riêng nếu việc thiết lập vùng an toàn ở đây bị trì hoãn.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn có một vùng đệm ở biên giới, tách biệt với lực lượng người Kurd Syria do Mỹ hậu thuẫn. Ankara coi người Kurd Syria là những kẻ khủng bố, cho rằng họ có quan hệ với nhóm li khai người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi hiểu được nhu cầu an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, cả ông Rouhani và ông Putin đều bày tỏ sự không hài lòng về sự can dự của quân đội Hoa Kỳ vào Syria, nói rằng sự hiện diện của Washington là bất hợp pháp và làm suy yếu sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

"Tất cả chúng tôi đều ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria và nhấn mạnh rằng sau khi các vấn đề về an ninh và cuộc chiến chống khủng bố được giải quyết, sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria sẽ được khôi phục hoàn toàn. Điều này liên quan đến việc rút toàn bộ quân đội nước ngoài khỏi lãnh thổ Syria", tuyên bố này khẳng định.

Ankara cũng đang vận động cho kế hoạch tái định cư người Syria ở các khu vực do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát trên khắp miền bắc Syria, và ông Erdogan cho rằng nơi người tị nạn Syria được chuyển tới có thể được mở rộng tới các thành phố Raqqa và Deir el-Zour.

Còn ông Rouhani cho rằng người Syria nên có thể trở về nhà riêng của họ thay vì chuyển đến các khu định cư an toàn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại