Sosna ra mắt lần đầu tiên tại diễn đàn quân sự Army-2018. KBtochmash thấy được cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường Đông Nam Á bằng cách tập trung quảng bá cho hệ thống mới này nhằm mục đích thay thế Strela-10M (một phiên bản của Strela-10, vũ khí được Moscow bán cho hơn 20 quốc gia đến từ Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ Latin, Đông Âu).
Việc phát triển Pantsir-S1 đến nay đã hoàn tất và Tor cũng được hiện đại hóa thành công. Hai hệ thống này sở hữu công nghệ tiên tiến, đánh chặn được nhiều loại mục tiêu trên không. Tuy nhiên, chúng lại khá phức tạp, đắt đỏ cũng như dễ bị hư hại vì bức xạ tần số vô tuyến (radio-frequency radiation).
Vì vậy mà từ những năm 90 của thế kỷ trước, học giả Arkady Shipunov thuộc Viện Hàn lâm khoa học đề xuất phát triển tổ hợp phòng thủ thay cho Strela-10 với yêu cầu trọng lượng nhẹ, chi phí thấp, trang bị hệ thống điều khiển quang điện tử và tên lửa đánh chặn dẫn đường bằng laser.
Nó được mong đợi sẽ giúp nâng cao năng lực phòng thủ chiến thuật, đủ sức hoạt động độc lập lẫn phối hợp với mạng lưới đánh chặn chung.
Sosna với tầm bắn 10 km, trần bay diệt mục tiêu 5 km có thể tiêu diệt nhiều mối đe dọa từ trên không, bao gồm cả vũ khí tấn công chính xác như tên lửa hành trình, tên lửa dẫn đường phóng từ máy bay.
Bệ phóng của Sosna được gắn trên tháp xoay 360 độ, cùng thiết bị dò tìm và theo dõi mục tiêu và các đơn vị điều khiển tên lửa khi bay.
Sosna đủ sức hoạt động độc lập lẫn phối hợp với mạng lưới đánh chặn chung - Ảnh: Jane’s
Khi hoạt động phối hợp, Sosna nhận chỉ định về mục tiêu từ một trạm hay xe chỉ huy. Hệ thống cũng có khả năng tiến hành dò tìm theo từng khu vực mà không cần giúp đỡ từ bên ngoài.