Cuộc đối đầu khó tránh
Theo các nhà bình luận trên Nationalinterest, người Nga tin rằng cả ông Trump và ông Biden đều không mang tới sự cải thiện trong quan hệ Mỹ-Nga khi chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Quan trọng hơn nữa, sự phân cực chính trị ngày càng sâu sắc ở Mỹ sẽ gây bất ổn cho việc ra quyết định chính sách đối ngoại của Washington.
Bình luận về vấn đề này, Andrey Kortunov-Tổng Giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga cho biết: "Kỳ vọng vào quan hệ với Mỹ là rất thấp bất kể ai giành chiến thắng vào tháng 11 tới...
Có cảm giác các mối quan hệ không thể trở nên tốt đẹp hơn trong tương lai gần cho đến khi ít nhất là Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị trong nước. Tuy nhiên, cũng không có nhiều lý do để mọi thứ trở nên tồi tệ hơn vì quan hệ Nga-Mỹ đang ở mức rất thấp".
Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump
Năm 2016, khi ông Trump chiến thắng trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế Nhà Trắng, nhiều người đã hy vọng rằng Nga có thể tìm thấy điểm chung với vị tỷ phú người Mỹ này. Nhiều nhà lập pháp Nga khi đó đã vỗ tay tại Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) khi biết ông Trump sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của Mỹ.
Trong khi đó, Điện Kremlin cũng ra một tuyên bố gọi cách tiếp cận chính sách đối ngoại của ông Trump là "gần giống một cách phi thường" với cách tiếp cận của Tổng thống Vladimir Putin.
Dẫu vậy, sự lạc quan ban đầu đó nhanh chóng phai nhạt khi tuyên bố của ông Trump về việc muốn nhượng bộ Nga đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Quốc hội.
Vào Hè năm 2017, khi ông Trump đang đối diện với những cáo buộc rằng chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông có liên quan tới Nga, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt.
Đặc biệt, trong đó có yêu cầu Tổng thống phải được Quốc hội chấp thuận trước khi dỡ bỏ bất cứ lệnh trừng phạt hiện có nào đối với Nga.
Thêm nữa, mặc những tuyên bố hùng hồn của ông Trump về việc muốn cải thiện quan hệ với Nga, chính quyền của ông vẫn theo đuổi đường lối cứng rắn chống Moscow.
Dưới sự chỉ đạo của ông Trump, Mỹ đã rút khỏi 2 hiệp ước kiểm soát vũ khí với Nga, áp đặt các lệnh trừng phạt đối với đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga dẫn đến Đức, cung cấp tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine, tiến hành các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào Syria bất chấp sự phản đối của Nga và triển khai việc bổ sung quân cho Ba Lan.
Điện Kremlin có rất ít lý do để tin rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ mang lại bất kỳ sự khác biệt nào cho quan hệ Mỹ-Nga, ông Dmitry Suslov, Giáo sư Quan hệ Quốc tế của trường Kinh tế, thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc gia ở Moscow nhận định.
"Năm 2016, phần lớn giới lãnh đạo Nga thực sự hy vọng rằng chiến thắng của ông Trump sẽ mang lại cơ hội chấm dứt đối đầu và cải thiện quan hệ. Giờ đây, không có kỳ vọng nào như vậy nữa.
Quan điểm phổ biến là bất kể kết quả của cuộc bầu cử Mỹ như thế nào, Nga phải chuẩn bị cho việc tiếp tục đối đầu với Mỹ", ông Dmitry Suslov cho biết.
Nhắc đến ông Biden, ông Suslov lưu ý rằng giới lãnh đạo Nga có thể coi nhân vật này là sự lựa chọn mang đến thách thức hơn vì ông vốn được biết đến là người ủng hộ việc gia tăng sức ép với Moscow trong vấn đề dân chủ và nhân quyền.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden thường xuyên cáo buộc ông Trump không đủ cứng rắn với Nga. Và thậm chí, cựu phó Tổng thống cũng đưa ra thông điệp rằng ông sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga nếu ông đắc cử.
Dù có những giai đoạn, ông Biden đã có nhiều hành động hướng về Nga, như ủng hộ chính sách "thiết lập lại" quan hệ Mỹ với Nga. Nhưng trong thập kỷ qua, mối quan hệ của ông Biden với Nga đã xấu đi đáng kể.
Trong chuyến thăm Moscow năm 2011, ông Biden được cho là đã khiến Điện Kremlin tức giận sau khi ông nói với các nhà lãnh đạo đối lập Nga rằng Mỹ không muốn thấy ông Putin tranh cử nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba.
Sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, ông Biden trở thành nhân vật quan trọng của chính quyền Obama trong các vấn đề liên quan đến Ukraine và dẫn đầu các nỗ lực của Mỹ nhằm tập hợp các đồng minh châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt chống Điện Kremlin.
Tuy nhiên, nhiều người Nga không mấy để tâm đến vị trí cụ thể của cả hai ứng cử viên mà chú ý hơn đến sự phân cực chính trị ngày càng tăng ở Mỹ. Những trận chiến chính trị kéo dài nhiều năm qua ở Washington khiến giới tinh hoa Nga tin rằng sự chia rẽ đảng phái của Washington đang ngày một sục sôi.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi tháng 6, ông Putin lập luận rằng các cuộc biểu tình ở Mỹ sau vụ George Floyd là dấu hiệu của sự "khủng hoảng nội bộ sâu sắc" tại Mỹ.
Fyodor Lukyanov, chủ tịch Hội đồng chính sách Quốc phòng và Đối ngoại cho rằng những sự kiện gần đây đã thuyết phục giới lãnh đạo Nga rằng nỗ lực cải thiện quan hệ với Mỹ trong 4 năm tới là "không chỉ vô nghĩa mà thậm chí còn có thể gây nguy hiểm.
Moscow lo ngại rằng bất kỳ nỗ lực ngoại giao nào giữa 2 nước sẽ đều nhanh chóng bị lôi vào các cuộc chiến chính trị trong nước Mỹ, chuyên gia cho hay.
Vậy Nga có kế hoạch gì để đối phó với một nước Mỹ có thể là khó lường trong 4 năm tới?
Xây dựng quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc?
Trong bối cảnh này, một lựa chọn có khả năng xảy ra đó là việc Nga tiếp tục tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Kể từ năm 2014, khi Moscow bị phương Tây "ghẻ lạnh" vì cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga và Trung Quốc đã tăng thương mại song phương lên 110 tỷ USD vào năm 2019, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD.
Trung Quốc và Nga cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung, bao gồm cả ở các điểm nóng về địa chính trị như Biển Baltic và Biển Đông. Nga cũng đã tìm cách giảm sự phụ thuộc về công nghệ vào Mỹ bằng cách chuyển sang hợp tác với các công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc như Huawei.
Moscow và Bắc Kinh có thể sẽ xích lại gần nhau hơn trong 4 năm tới. Hai nước có lợi thế để đẩy lùi Washington, Giáo sư Suslov nhận định.
Vị chuyên gia này cũng dự đoán rằng sự phân cực ngày càng sâu sắc sẽ "làm suy yếu khả năng của Mỹ trong việc thực hiện một chính sách đối ngoại hiệu quả và ít có khả năng củng cố các đồng minh để đối đầu với Nga, Trung Quốc".
"Nga đang giả định rằng chính sách đối đầu của Mỹ mặc dù gây đau đớn nhưng không gây chết người. Và về lâu dài, chính Mỹ sẽ phải điều chỉnh chính sách, thích ứng với một thế giới đa cực và chấp nhận cả Nga và Trung Quốc là những cường quốc hợp pháp", Giáo sư Suslov cho biết.
Trong buổi phóng vấn hôm 7/10, Tổng thống Nga đã lên tiếng về hai ứng viên Tổng thống Mỹ Trump và ông Biden trước thềm cuộc bầu cử hôm 3/11. Ông Putin cho biết ông sẽ hợp tác với bất cứ lãnh đạo nào của Mỹ, nhưng cũng đề cập tới những bình luận ông cho là "chống Nga gay gắt" của ứng viên đảng Dân chủ.
Ông Biden nhiều lần chỉ trích Nga trong suốt chiến dịch tranh cử và cả từ khi ông còn là phó Tổng thống Mỹ. Lãnh đạo Điện Kremlin cho biết dù ông rất tiếc về những phát ngôn đó, song Nga đã "quá quen" với chúng.