Thông tin này được báo Mỹ New York Times trích dẫn từ 2 quan chức Iran giấu tên, một trong số họ là thành viên của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
Báo cáo không nêu rõ chính xác chủng loại vũ khí mà Nga đang cung cấp, song Iran quan tâm đến việc mua hệ thống tên lửa phòng không tầm xa chiến lược S-400 Triumf. Tehran đã mua hệ thống S-300PMU-2 tiên tiến từ Moscow vào năm 2016 và cũng vận hành hệ thống Buk và Tor tầm ngắn và tầm trung của Nga.
Iran cũng đang muốn Nga nhanh chóng hoàn thành việc giao máy bay chiến đấu Su-35 Flanker mà Tehran đã đặt hàng vào năm 2021 - Reuters dẫn 2 nguồn tin cấp cao của Iran hôm 6-8.
Iran đã tuyên bố sẽ tấn công Israel nhằm trả đũa vụ thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị ám tại Tehran hôm 31-7.
Bất kỳ cuộc tấn công nào do Iran phát động đều có khả năng dẫn đến việc Israel phản ứng bằng cách nhắm vào vũ khí tiên tiến của Tehran, bao gồm cả các hệ thống do Nga chế tạo.
Một kịch bản như vậy hoàn toàn có thể xảy ra và chính vụ tấn công của Iran nhằm Israel ngày 13-4 đã minh chứng rõ. Khi đó, Iran sử dụng hàng trăm máy bay không người lái (UAV) và tên lửa nhằm vào Israel.
Tel Aviv được cho là đã đáp trả bằng cách phá hủy radar hệ thống S-300PMU-2 của Iran ở khu vực trung tâm Isfahan, cách thủ đô Tehran khoảng 340 km về phía Nam.
Israel đã huấn luyện cách tấn công S-300 trong hơn một thập kỷ qua. Không quân Israel đã huấn luyện chống lại S-300PMU-1 của Hy Lạp đặt tại đảo Crete vào năm 2013. Israel cũng đã theo dõi nhất cử nhất động của hệ thống S-300 mà Nga đã triển khai ở Syria.
Điều này giúp Israel thu được những hiểu biết có giá trị về khả năng và những điểm yếu tiềm ẩn của vũ khí tiên tiến do Nga chế tạo.
Danh tiếng vũ khí tiên tiến Nga ít nhiều đã bị ảnh hưởng sau gần 3 năm xung đột ở Ukraine.
Tạp chí Forbes cho rằng các các cuộc tấn công của Ukraine đã phá hủy nhiều hệ thống tiên tiến của Nga, bao gồm cả S-400 ở bán đảo Crimea .
Mặc dù vẫn chưa rõ Nga cung cấp chính xác những gì vào thời điểm hiện tại cho Iran nhưng ngay cả khi đó là S-400 hoặc Su-35 thì Israel vẫn có khả năng phá hủy chúng khi vẫn còn trong kho.
Kịch bản như vậy có thể đồng thời cản trở Iran hiện đại hóa lực lượng vũ trang và báo hiệu sự phản đối kiên quyết của Israel với việc Moscow cung cấp vũ khí tiên tiến cho Tehran.
"Tất cả những yếu tố này cho thấy Nga một lần nữa đang mạo hiểm với danh tiếng của ngành công nghiệp vũ khí" – Forbes kết luận.