Cựu quan chức tình báo Đông Đức, ông Werner Grossman cho rằng lệnh trừng phạt mà phương Tây đang áp đặt với Nga là một phần trong chính sách lâu dài nhằm gây bất ổn cho quốc gia này.
Chia sẻ với hãng thông tấn Sputnik Deutschland hôm 20/6, ông Grossman nhận định các quốc gia phương Tây đã có những hành động khiêu khích Nga sau khi Liên Xô cũ sụp đổ. Chính việc Nga sở hữu vũ khí hạt nhân đã giúp ngăn một cuộc chiến khác có nguy cơ bùng nổ.
Cựu quan chức tình báo Đông Đức, ông Werner Grossman cho rằng nếu Nga không có vũ khí hạt nhân, thế giới sẽ phải chứng kiến một cuộc chiến tranh khác
"Chiến thắng của Liên Xô cũ và Hồng quân trước phát xít Đức đã tạo ra một tình huống mà trong đó để theo đuổi lợi ích ở phương Đông không thể không có năng lực quân sự. Việc Đức gia nhập liên minh phương Tây và NATO đã ngay lập tức thay đổi tình hình một lần nữa", ông Grossman nói.
"Mối quan tâm không hề thay đổi và nó đang hướng về phương Đông. Nếu Nga không được trang bị vũ khí hạt nhân, chắc chắn, chúng ta sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khác", ông Grossman chia sẻ thêm.
Ông Grossman từng giữ chức Thứ trưởng Bộ An ninh và Giám đốc Cơ quan tình báo Cộng hòa Dân chủ Đức (STASI). Ông Grossman cũng đã đưa ra những bình luận về tuyên bố mới đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi phỏng vấn với đạo diễn bộ phim Oliver Stone.
Khi được hỏi liệu Mỹ sẽ chiếm ưu thế trong "cuộc chiến tranh nóng", Tổng thống Putin cho rằng: "Tôi nghĩ sẽ không ai còn sống sót trong cuộc chiến này".
Ông Grossman cũng đồng tình với ý kiến của Tổng thống Putin. "Ngày nay, một cuộc chiến có thể biến thành thảm họa với nhân loại bởi vũ khí hạt nhân sẽ được triển khai trong tình trạng không giới hạn và thiếu kiểm soát của nhiều bên.
Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh giữa phương Tây và phương Đông, chúng tôi từng nghĩ rằng, một cuộc chiến mới cần phải được ngăn chặn bởi nó có thể đặt dấu chấm hết cho loài người".
Cũng theo ông Grossman, chính sách mà phương Tây hiện đang thi hành với Nga cũng giống như trong quá khứ. Cụ thể, cách đây hơn 100 năm, ngay khi bắt đầu Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất, Đức và nhóm Liên minh trung tâm đã tìm cách khiêu khích Nga tham chiến.
"Điều này lại lặp lại vào thời điểm hiện tại. Nhiều phiên nghị sự được khởi xướng nhằm kích động phản ứng của các bên", ông Grossman nói.
Cũng theo ông Grossman, chính sách chống lại Nga mà các nước phương Tây bao gồm Đức đang thi hành, sẽ không thể sớm thay đổi. Nói cách khác, lệnh trừng phạt sẽ không thể được gỡ bỏ cho tới khi chính quyền phương Tây đạt được mục đích chính trị.
"Cần phải có một chính sách để bình thường hóa quan hệ với Nga và gỡ bỏ lệnh trừng phạt là điều cần thiết.
Những chuyện đang diễn ra cần phải dừng lại nhưng thực tế lại không như vậy bởi giới cầm quyền phương Tây hoàn toàn không quan tâm tới điều đó. Điều họ muốn là bao vây Nga và tạo ra tầm ảnh hưởng ở nhiều khu vực trên thế giới", Sputnik dẫn lời ông Grossman.
Trong khi đó, hôm 20/6, Bộ Tài chính Mỹ đã quyết định mở rộng lệnh trừng phạt với Nga. Trước đó, Mỹ cũng đã thi hành lệnh trừng phạt với khoảng 40 cá nhân và cơ quan bị tình nghi liên quan tới cuộc chiến ở miền đông Ukraine.
Trong số này có cả các quan chức hàng đầu ở bán đảo Crimea, cùng 3 ngân hàng hoạt động ở khu vực thuộc Cộng hòa nhân dân Donetsk và Luhansk tự xưng và 6 ngân hàng ở Crimea. Sau khi tổ chức trưng cầu dân ý, bán đảo Crimea đã quyết định sáp nhập vào Liên bang Nga vào năm 2014.
Hôm 21/6, chia sẻ với Sputnik, một số giới chức thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho biết, dù một vài quốc gia phản đối việc EU khôi phục lệnh trừng phạt với Nga, song khả năng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel có thể sẽ đề xuất mở rộng lệnh trừng phạt với Nga ngay tại hội nghị thượng đỉnh EU trong tuần.