Nga rớt Top 5 chi tiêu quân sự: Trái đắng phương Tây

Trung Kiên |

Theo công ty phân tích quân sự có trụ sở tại Anh - Jane's Defence Budget, Nga không còn nằm trong Top 5 nước có mức ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới

Nước có ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới không có gì bất ngờ khi là Mỹ, tiếp theo sau đó là Trung Quốc, Anh, Ấn Độ, Ả-Rập Saudi và đứng thứ 6 mới là Nga. Điều này có nghĩa, đây là lần đầu tiên kể từ những năm 1990, Nga không nằm trong danh sách 5 nước chi nhiều tiền nhất cho quân sự.

Theo giám đốc Trung tâm An ninh Quốc tế, thuộc Học viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế, ông Alexei Arbatov, trong năm 2016, chi tiêu quân sự của Nga sẽ nằm ở mức 3,2 nghìn tỷ rouble, tương đương 52 tỉ USD và đến năm 2017, con số này sẽ tụt xuống còn 46 tỉ USD.

Ông Arbatov cho rằng: "Điều này trực tiếp liên quan đến thâm hụt ngân sách và khủng hoảng kinh tế và không có lý do nào khác nữa".

Mặc dù vậy, phần ngân sách cắt giảm trong lĩnh vực quân sự vẫn được cho là ít hơn các ngành khác, ví dụ như trong lĩnh vực an sinh xã hội, điều cho thấy chính phủ Nga vẫn có nhiều ưu tiên cho quân đội. Chi tiêu quân sự của Nga vẫn sẽ chiếm khoảng 5% GDP, tức là xét về tỉ lệ, nó vẫn nhiều hơn Mỹ (3,1%) hay Trung Quốc và các nước châu Âu (dưới 2%).

Theo ông Arbatov, Nga nhiều khả năng sẽ giảm ngân sách quốc phòng bằng việc kéo dài thời gian thực hiện các dự án hiện đại hoá vũ khí quân đội thay vì hủy bỏ chúng hoàn toàn. Ví dụ như chương trình nâng cấp vũ trang đang có kế hoạch kết thúc vào năm 2020 giờ sẽ có thể được kết thúc vào năm 2025.

Điều tất yếu?

Giới phân tích chỉ ra rằng, sau khi hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu sụt giảm, việc chính phủ Nga cắt giảm một phần ngân sách dành cho quân sự là điều không thể tránh khỏi.

Mặc dù Tổng thống Putin đã khẳng định rằng, lệnh trừng phạt của phương Tây đã giúp Nga đạt được sự ổn định kinh tế vĩ mô bền vững, thế nhưng trên thực tế, nước Nga vẫn đang phải gồng mình gánh chịu những tổn thất do lệnh trừng phạt từ phương Tây mang lại.

Hồi tháng 4, các chuyên gia kinh tế Constantine Kholodilin thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Đức DIW Berlin và Aleksei Netsunaev thuộc Đại học Tự do Berlin đã chỉ ra rằng, nền kinh tế Nga thiệt hại trung bình 2% GDP mỗi quý do các biện pháp trừng phạt của Phương Tây.

Cụ thể, GDP thực tế của Nga đã giảm 4,1% từ quý 2/2014, khi các biện pháp trừng phạt lần đầu tiên được áp đặt, cho tới quý 3/2015 (thời điểm gần nhất được sử dụng trong nghiên cứu), trong khi (nếu không có các biện pháp trừng phạt), kinh tế Nga trong thời gian đó có thể tăng trưởng 6,9%.

Hai chuyên gia Kholodilin và Netsunaev cho biết, công trình của họ là nỗ lực đầu tiên nhằm xác định ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt đối với tăng trưởng kinh tế Nga.

Trong khi đó, cũng theo hai chuyên gia này, tác động của những biện pháp trừng phạt chống Nga đối với nền kinh tế khu vực châu Âu là không đáng kể. Tăng trưởng kinh tế bình quân trong khu vực đồng euro chỉ giảm nhẹ.

Trước đó, hai chuyên gia Evsei Gurvich và Ilya Prilepsky thuộc Nhóm chuyên gia kinh tế, đã tính ra rằng, thiệt hại GDP lũy kế của Nga do các lệnh trừng phạt giai đoạn 2014-2017 là 6% GDP so với năm 2013, trong khi dòng vốn ròng chảy ra ngoài do các lệnh trừng phạt vào khoảng 160-170 tỷ USD trong cùng kỳ.

Cuối năm 2014, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cho biết, Nga mất 40 tỷ USD (2% GDP) mỗi năm do các lệnh trừng phạt quốc tế, còn vào tháng 1/2016 Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Alexei Likhachev đánh giá thiệt hại kinh tế do các biện pháp trừng phạt của phương Tây và trừng phạt trả đũa của Nga là 25 tỷ euro trong năm 2015.

Bên cạnh đó, giá dầu sụt giảm xuống mức kỷ lục trong một thời gian dài cũng khiến kinh tế Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hồi đầu năm nay, Dịch vụ thống kê Nga công bố số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế của Nga giảm đến 3,7% trong năm 2015 do ảnh hưởng bởi giá dầu sụt giảm 70% trong 15 tháng.

Tại thời điểm này, các phương tiện truyền thông thân Điện Kremlin cũng thừa nhận rằng, Nga đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng, một phần bởi chính phủ ít nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế.

Một nửa doanh thu của Nga đến từ tiền thuế dầu mỏ và khí đốt. Chuyên gia kinh tế William Jackson của Công ty Phân tích thị trường Capital Economics nhận xét Nga có khả năng trải qua năm suy thoái kinh tế thứ 2 liên tiếp.

Hiện tại, sau khi các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ không phải thành viên OPEC, trong đó có Nga nhóm họp tại Mexico và quyết định giảm 558.000 thùng dầu/ngày trong năm tới đã khiến giá dầu tăng vọt.

Cụ thể, hôm 12/12 giá dầu WTI tương lai tại New York tăng 5,8%, lên mức 54,51 USD/thùng, mức cao nhất kể từ 6/7/2015 và tại London tăng 6,6%, lên mức 57,89 USD/thùng. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 7/2015.

Với diễn biễn biến tích cực này, cộng với việc tổng GDP quốc nội của Nga có dấu hiệu tăng trưởng, rất có thể trong năm sau nước Nga sẽ trở lại Top 5 nước có mức ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại