Trước đó, truyền thông Mỹ cho hay Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu cho xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400, dù Washington không ít lần lên tiếng yêu cầu Ankara hủy bỏ thương vụ mua S-400 với Moscow.
Tuy nhiên, ông Borisov nhấn mạnh dù Mỹ có gia tăng sức ép thì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ tiếp nhận hệ thống S-400 vào năm 2019.
"Tôi cho rằng nhà sản xuất Almaz-Antey sẽ không gặp bất cứ trở ngại gì trong hoạt động chuyển giao vũ khí trong 10 năm tới.
Ngoài các đối tác truyền thống ngay cả các nước thành viên NATO như Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không từ bỏ quyết định mua S-400 của Nga dù Mỹ có gia tăng sức ép. Vào năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp nhận toàn bộ thiết bị liên quan tới hệ thống S-400 như hợp đồng đã ký kết", Sputnik dẫn lời Phó Thủ tướng Borisov.
Cũng theo ông Borisov, Nga sẽ không còn sử dụng đồng USD trong các hợp đồng mua bán vũ khí ký kết với đối tác.
"Nga không cần đồng USD. Nga cần đồng rúp. Đồng rúp là đồng tiền ổn định dù tỷ giá hối đoái có tăng giảm.
Tại sao Nga lại phải dùng đồng USD để thực hiện các thương vụ ký kết với Iraq hoặc Trung Quốc? Điều này không còn cần thiết", ông Borisov nhấn mạnh.
Liên quan tới các linh kiện xe quân sự của Nga do Ukraine sản xuất, ông Borisov khẳng định Moscow đã hoàn toàn thay thế được các linh kiện quân sự mà trước đây phải phụ thuộc vào nguồn cung từ Ukraine.
Cụ thể, ông Borisov nhấn mạnh vào năm 2014, Nga đã thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung động cơ trực thăng hay các turbin dùng trên tàu khu trục và tàu hộ vệ mà Ukraine cung cấp.
Hoạt động mua bán hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, sau khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết một khoản vay để Moscow cung cấp S-400 cho Ankara. Theo thông báo từ Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vận hành 2 tổ hợp S-400 trong tương lai.