Vào cuối tháng 7, có báo cáo cho rằng Nga đã hỗ trợ cho các chiến binh Taliban chiến đấu chống Mỹ, NATO và quân đội Afghanistan. Ở góc độ nào đó, điều này được coi như một sự đổi vai hoàn toàn giữa Nga và Mỹ ở Afghanistan diễn ra trong hơn ba thập kỷ qua.
Trong những năm 1980, CIA đã từng cung cấp vũ khí cho phiến quân ở Afghanistan chiến đấu chống chính quyền Kabul và quân đội Liên Xô hậu thuẫn cho chính quyền này. Và giờ đây, bằng cách viện trợ cho Taliban thì Nga lại đang giành cơ hội trả đũa Mỹ.
"Có lẽ Nga đang coi sự đổi vai này là sự ăn miếng trả miếng cho vụ can thiệp của nước này vào Afghanistan nhiều năm trước," ông Mike Sulick, cựu giám đốc của Ủy ban bí mật quốc gia thuộc CIA bình luận.
"Nga chưa quên chuyện này và tôi chắc chắn nhiều người trong số họ vẫn tức giận vì việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Afghanistan để Nga buộc phải rút lui khỏi vùng đất này".
Nga từ lâu đã có lợi ích ở Afghanistan , kể từ thế kỷ XIX, khi đế quốc Anh và Nga giành được quyền kiểm soát chính trị và quân sự đối với đất nước này.
Hiện nay, Moskva coi an ninh ở biên giới phía bắc Afghanistan với Tajikistan (đồng minh quan trọng của Nga) là tối quan trọng đối với lợi ích khu vực của nước này. Hơn nữa, Tổng thống Vladimir Putin có thể sẽ cố mở rộng ảnh hưởng đến khu vực mà Mỹ hầu như không lôi kéo được đối tác nào có tiềm năng hay đồng minh đáng tin cậy nào cả.
Sự hiện diện ngày càng tăng của Nga ở Afghanistan có thể biến một đất nước đang bị chiến tranh giằng xé thành một Syria tiếp theo- nói cách khác là chiến trường diễn ra cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Nga và Mỹ.
Ít nhất sự can thiệp của Nga và Afghanistan cũng buộc chính quyền Mỹ phải trả lời câu hỏi 16 năm qua vẫn chưa có được đáp án, kéo dài suốt ba đời tổng thống ông Bush, ông Obama và giờ là đến ông Trump. Câu hỏi đó là liệu Mỹ có nên duy trì sự hiện diện quân sự ở Afghanistan và kết quả đáng mong đợi nhất là gì ở một đất nước mà chiến tranh đã kéo dài gần nửa thế kỷ?
Theo ông Barnett Rubin, giáo sư tại Đại học New York và là chuyên gia về Afghanistan, việc rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan kết hợp với việc tiếp tục tài trợ cho quân đội và các chương trình xã hội ở nước này sẽ là phương án tối ưu nhất cho cả Washington và Kabul.
"Việc cuối cùng là đàm phán các điều kiện mà Mỹ và NATO có thể rút quân khỏi Afghanistan mà không khiến đất nước này sụp đổ và Taliban hay bất kỳ tổ chức nào khác cũng không thể tiếm quyền một cách thô bạo.
Afghanistan phải duy trì một chính phủ trung lập và là đối tác hiệu quả trong cuộc chiến chống IS, al Qaeda, Leshkar-E-Taiba (LeT) hay bất kỳ tổ chức khủng bố quốc tế nào khác," ông Rubin đề xuất. "Mỹ nên cam kết tiếp tục tài trợ cho Afghanistan trong ít nhất một thập kỷ, bao gồm cả an ninh, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và quản lý kinh tế".
Trong khi đó nhiều chuyên gia khác lại cho rằng Mỹ nên tiếp tục hiện diện quân sự ở Afghanistan nhưng dưới vai trò chiến đấu gián tiếp.
"Tôi tin rằng lợi ích của Mỹ đang bị đe dọa đủ nhiều để Mỹ duy trì cam kết dù là khiếm tốn ở Afghanistan," Đô đốc Sandy Winnefeld, Cựu Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng trả lời trong một cuộc phỏng vấn của tờ Cipher Brief.
"Vì vậy, tôi phải tin rằng chúng ta nên đóng vai trò gián tiếp. Điều này có nghĩa là Mỹ có thể hỗ trợ không vận, đào tạo và hỗ trợ hậu cần, nhưng không hành động trực tiếp, ngoại trừ việc chống lại các mục tiêu hợp pháp gây nguy hiểm cho Mỹ", Đô đốc Winnefeld nói.
Tháng trước, tờ New York Times báo cáo rằng chính quyền ông Trump đang cân nhắc thay thế quân Mỹ ở Afghanistan bằng các nhà thầu an ninh tư nhân, tuy nhiên đề xuất này đã bị chỉ trích nặng nề.
"Tôi đoán nếu bạn chưa bao giờ đối phó với chính phủ nước ngoài, nếu bạn chưa bao giờ quan tâm đến tất cả các khiếu nại, cáo buộc và các cuộc tấn công vào Mỹ và vai trò của Mỹ ở nước ngoài, có thể bạn sẽ không hiểu được rằng việc cử lính đánh thuê đi là cách làm chính trị nhanh nhất để hỗ trợ khủng bố và những luận điệu chống Mỹ".
Đó là phản bác của ông Anthony Cordesman, chủ tịch Chiến lược của Arleigh A. Burke tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược.
Và khi Mỹ bị kẹt ở thế trung lập ở Afghanistan kể từ giữa những năm 2000 đến nay, ngày càng nhiều người cho rằng Mỹ đang thua trong cuộc chiến ở Afghanistan, một đất nước được mệnh danh là "nghĩa trang của các đế chế".
Mỹ đã không thể cải thiện được tình hình tại Afghanistan và vừa buộc phải tăng thêm lực lượng tại đây
Những gì mà Mỹ đang thảo luận về Afghanistan là phân tích chi phí và lợi ích: Đó là liệu mối đe dọa của việc các tổ chức khủng bố đang tìm đến nơi trú ẩn an toàn là Afghanistan để huấn luyện, âm mưu và tổ chức các cuộc tấn công vào Mỹ.
Và lợi ích của Mỹ trong khu vực có đủ để Mỹ phải duy trì sự hiện diện quân sự ở đất nước này và biện minh cho việc Mỹ chi gần 50 tỷ USD mỗi năm ở một đất nước đầy rẫy tham nhũng và hỗn loạn?
"Chúng ta (Mỹ) đã rơi vào mô hình đưa ra quyết sách mà ở đó, các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo quân sự dường như không thể suy nghĩ về bất cứ điều gì khác hiệu quả hơn", cựu giám đốc của CIA Station Kevin Hulbert giải thích.
"Chúng ta cũng có những cơ chế khác. Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ rời khỏi Afghanistan không có nghĩa là chúng ta phải từ bỏ sứ mệnh chống khủng bố ở đó."
"Lấy ví dụ về Pakistan," ông tiếp tục. "Pakistan đã trở thành trụ sở của lãnh đạo cấp cao của al-Qaeda trong 16 năm qua, và chúng ta (Mỹ) không hề đưa quân đến Pakistan.
Tuy nhiên chúng ta vẫn chứng tỏ mình thể quản lý mối đe doạ từ lãnh đạo cao cấp của al-Qaeda ở Pakistan bằng cách hợp tác với Pakistan và sử dụng một loạt các công cụ hành động bí mật khác. Bạn không nghĩ chúng ta có thể làm điều tương tự ở Afghanistan hay sao?".
Thượng nghị sĩ John McCain mới đây đã công bố chiến lược Afghanistan của ông, và ông dự kiến sẽ đệ trình lên bản sửa đổi cho dự luật về phòng vệ năm 2017 vào tháng tới.
Mặc dù ông không đưa ra các chi tiết cụ thể về mức độ can dự quân đội Mỹ tại Afghanistan, ông McCain từng tuyên bố rằng bản sửa đổi sẽ đưa ra một "chiến lược quân sự - dân sự hợp".
Kế hoạch bao gồm việc triển khai thêm quân đội Mỹ vào nước này; cho phép tăng cường tấn công các nhóm khủng bố như Taliban, mạng lưới Haqqani, IS và al Qaeda;
Hợp tác với chính phủ Afghanistan để đưa ra một thỏa thuận cho sự hiện diện lâu dài của Mỹ ở Afghanistan; tăng cường sự ủng hộ kinh tế và không vận với điều kiện Afghanistan đáp ứng được tiêu chuẩn về chống tham nhũng; đẩy mạnh áp lực lên Pakistan nhằm loại bỏ nơi trú ẩn an toàn cho quân khủng bố.
Có lẽ mối quan tâm lớn nhất hiện nay là điều gì sẽ xảy ra nếu Nhà trắng quyết định bỏ nhiệm vụ của Mỹ ở Afghanistan và quay lưng hoàn toàn với nước này.
Quyết định này có thể được xem như là Mỹ nhường chỗ cho Nga, tương tự như ở Syria, khi Nga can thiệp vào để củng cố chính quyền Assad và Mỹ đã giảm hỗ trợ cho các lực lượng phiến quân. Điều này bù lại lợi ích an ninh và chính trị mà Mỹ thu được từ sau vụ 11/9 - lý do để Mỹ đưa quân vào Afghanistan.