Ra mắt với động cơ mới
Thông tin này được Tư lệnh Không quân Nga, Thượng tướng Viktor Bondarev tiết lộ, chuyến bay thử đầu tiên của máy bay ném bom chiến lược tầm xa phiên bản nâng cấp Tu-160M2 với động cơ thế hệ mới sẽ diễn ra trong năm 2018 và đến 2021, phiên bản mới này sẽ chính thức tham gia trực chiến.
"Mọi công tác cần thiết đã sẵn sàng để máy bay Tu-160M2 có thể cất cánh lần đầu năm 2018 và biên chế đại trà cho Không quân Nga từ năm 2021", ông V. Bondarev tuyên bố.
Nói về sức mạnh của phiên bản mới, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, Yury Borisov khẳng định không chỉ có tính năng tàng hình, phiên bản mới của máy bay Tu-160 là Tu-160M2 còn có khả năng hoạt động gấp 2 lần bản cũ.
Ngoài ra Tu-160M2 còn được trang bị hệ thống điện tử hiện đại mới với khả năng chống tên lửa hiệu quả. Không những vậy, Tu-160M2 còn trở nên vô hình trước các radar phòng không của đối phương.
Các máy bay phiên bản M2 sẽ được trang bị hệ thống tác chiến radio – điện tử hiện đại, có khả năng chống lại các hệ thống radar phòng không của đối phương một cách hiệu quả, nhà sản xuất Công nghệ Radio – Điện tử (KRET) Nga cho biết.
Được biết, KRET đang phát triển một hệ thống dẫn đường mới cho máy bay, một hệ thống định vị và xác định mục tiêu, cũng như một hệ thống điều khiển vũ khí và các thiết bị điện tử khác.
"Chúng tôi đã thảo luận về quá trình tái sản xuất mát bay Tu-160M2 và đã ký hai hợp đồng cho việc phát triển tài liệu nghiên cứu kỹ thuật và tái sản xuất máy bay", ông cho biết thêm. Hiện tại 64% công việc về hướng dẫn thiết kế và sản xuất đã được hoàn thành.
Nhật - Mỹ bất an
Sẽ không có gì đáng nói về kế hoạch trang bị Tu-160M2 của Nga cho Quân khu miền Đông bởi thời điểm năm 2021 cũng chính là mốc thời gian Moskva hoàn thành xây dựng "nhà mới" dành cho Hạm đội Thái Bình Dương trên quần đảo Kuril. Và rõ ràng kế hoạch trang bị của Nga có thể khiến Nhật - Mỹ phải lo lắng.
Theo ông Leonid Ivashov Chủ tịch Học viện các vấn đề địa chính trị, kế hoạch tăng cường khả năng quốc phòng ở Kuril là gắn với đà phát triển khả năng quân sự của Nhật Bản. "Nếu loại trừ vũ khí hạt nhân, thì người Nhật sẽ vượt trội về khả năng tác chiến so với nhóm quân của chúng ta ở Quân khu Viễn Đông và Hạm đội Thái Bình Dương.
Có dữ liệu cho thấy rằng người Nhật đang làm việc không chỉ về công nghệ tên lửa, kể cả chương trình không gian, mà còn suy tính về chương trình hạt nhân. Tôi nghĩ rằng họ sẽ tiếp tục phát triển các loại hình vũ khí tiên tiến. Có thể trong đó có hạt nhân, mặc dù họ sẽ làm trong bí mật".
Mong muốn củng cố khả năng phòng thủ của quần đảo Kuril gắn với thực tế là trong quan hệ với Nhật-Nga không đủ sự tin cậy, ông Alexey Podberezkin Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quân sự-chính trị thuộc trường MGIMO nhận định.
"Các nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương những năm gần đây đều tăng nhanh mức chi tiêu quân sự. Qua hơn 10 năm họ đã tăng gấp đôi khoản kinh phí này. Và một số nước xúc tiến mạnh việc xây dựng lực lượng hải quân.
Không rõ họ sẽ hành xử như thế nào trong trường hợp bùng phát căng thẳng về tham vọng chủ quyền, mà những mâu thuẫn như vậy thì ở khu vực này đang sẵn có.
Tôi không nghĩ rằng sự việc sẽ dẫn đến xung đột quân sự công khai, nhưng trong dư luận đang nói tới viễn cảnh đó. Còn về căn cứ Hải quân Nga tại Kuril, thì trước hết, Moskva chưa thể đưa ra câu trả lời cụ thể hơn…" - chuyên viên Podberezkin nhận xét.