Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nhấn mạnh, an ninh ở khu vực châu Âu mang tính tập thể, nhưng NATO hiện không sẵn lòng đối thoại công bằng. Nhận định của quan chức Nga được đưa ra sau khi NATO đồng thuận về một kế hoạch tổng thể nhằm đối phó với Moscow bao gồm sử dụng các loại vũ khí hạt nhân.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer là một trong những người ủng hộ tích cực nhất đối với kế hoạch tổng thể mới của NATO nhằm đối phó với Nga trong trường hợp không may xảy ra xung đột giữa Nga và NATO.
Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu (bên phải) lên tiếng sau khi Đức cảnh báo NATO sẽ dùng vũ khí hạt nhân để đối phó với Moscow. (Ảnh: Reuters)
Bản kế hoạch tổng thể được NATO thông qua hôm 21/10 nhằm định hướng cho quân đội các nước thành viên NATO về chiến lược đối đầu với binh sĩ Nga ở vùng Baltic và trên Biển Đen, đồng thời nhấn mạnh chiến tranh phi truyền thống bao gồm các loại vũ khí hạt nhân, tấn công mạng và công nghệ quân sự vũ trụ cần được tăng cường thêm.
“Đây là cách ngăn chặn”, bà Kramp-Karrenbauer nói với đài phát thanh Deutschlandfunk hồi đầu tuần này khi đưa ra lời bình luận về ý tưởng triển khai các loại vũ khí hạt nhân trên không phận Latvia, Lithuania và Estonia để bảo vệ cái mà NATO gọi là “mối đe dọa từ Nga”.
“Chúng ta cần làm rõ với Nga rằng, chúng ta sẵn sàng sử dụng các biện pháp như trên, nó sẽ đạt hiệu quả ngăn chặn sớm. Chiến lược sẽ được thay đổi để phù hợp với thái độ gần đây của Nga”, bà Kramp-Karrenbauer nói thêm.
Tới ngày 23/10, Bộ trưởng Shoigu nói với người đồng cấp Đức rằng, “an ninh ở châu Âu mang tính tập thể, chứ không được xâm phạm các lợi ích của Nga. Nhưng gần đây, NATO đang là bên không sẵn lòng đối thoại một cách công bằng về vấn đề này”.
“Vừa kêu gọi ngăn chặn quân đội Nga, NATO vừa cho xây dựng các lực lượng hoạt động sát biên giới Nga. Bộ trưởng Ngoại giao Đức cần biết rõ những hành động như vậy sẽ dẫn tới kết cục như thế nào đối Đức và châu Âu trước đây”, ông Shoigu nhấn mạnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng đã nhắc lại sự hỗn loạn xảy ra trong quá trình Mỹ và NATO rút quân khỏi Afghanistan hồi tháng Tám, sau khi phe phiến quân Taliban giành được quyền kiểm soát thủ đô Kabul.
“Kế hoạch ngăn chặn của phương Tây ở Afghanistan đã dẫn tới một thảm họa mà toàn thế giới vẫn đang phải xử lý”, ông Shoigu nói.
Chia sẻ với RT hôm 23/10, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Áo Karin Kneissl cho biết bà “sẽ không đánh giá quá cao” tuyên bố của nữ Bộ trưởng Quốc phòng Đức Kramp-Karrenbauer. Nguyên nhân là do bà Kramp-Karrenbauer hiện là một phần trong chính quyền sắp hết nhiệm kỳ của Thủ tướng Angela Merkel. Do đó, bà Kramp-Karrenbauer cũng sắp thôi giữ chức.
Ngoài ra, tương lai của bà Kramp-Karrenbauer trong Quốc hội Đức cũng đang bị nghi ngờ, do quá trình rút binh sĩ Đức khỏi Afghanistan bị đánh giá là “thất bại”.
Theo bà Kneissl, nữ Bộ trưởng Quốc phòng Đức “hiện không còn là nhân vật chính trị có tiếng nói quan trọng”.
Cũng trong ngày 23/10, Bộ Quốc phòng Nga đã cho công bố đoạn video ghi lại cuộc tuần tra chung đầu tiên giữa tàu chiến hải quân Nga – Trung ở Thái Bình Dương.
Quãng đường tuần tra của dàn chiến hạm Nga – Trung là khoảng 3.100 km và được tiến hành từ ngày 17 – 23/10. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định mục đích của cuộc tuần tra là duy trì sự ổn định ở khu vực Thái Bình Dương và bảo vệ cơ sở hạ tầng biển của cả 2 nước.
Trong quá trình tuần tra, các tàu của Nga và Trung Quốc đã di chuyển qua eo biển Tsugaru nằm giữa đảo Honshu và Hokkaido của Nhật Bản. Hải quân Nhật Bản đã giám sát hoạt động đi qua eo biển Tsugaru và cho biết chuyến đi phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cũng như không xâm phạm hải phận của Nhật Bản.
Đoàn tàu tuần tra chung trên Thái Bình Dương của hải quân Nga và Trung Quốc có sự tham gia của 10 chiến hạm bao gồm 2 tàu chống ngầm cỡ lớn Đô đốc Tributs và Đô đốc Panteleyev của Nga, cùng 2 khu trục hạm Kunming và Nanchang của Trung Quốc.
Trên hành trình tuần tra, các thủy thủ trên tàu chiến Nga – Trung còn phối hợp di chuyển theo đội hình chiến thuật và tiến hành tập trận chung.
Thời gian gần đây, Mỹ và các nước đồng minh NATO đã cho điều động tàu chiến tới khu vực Thái Bình Dương để làm nhiệm vụ tuần tra bất chấp sự phản đối từ phía Trung Quốc.
Hồi tháng Chín, Mỹ, Australia và Anh đã ký kết hiệp ước AUKUS nhằm hỗ trợ đóng tàu ngầm hạt nhân cho Canberra. Động thái này cũng đã khiến Bắc Kinh tỏ ra vô cùng lo ngại.