Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tiến gần “quỹ đạo” của Nga, hờ hững với Mỹ và NATO

Kiều Anh |

Bất chấp những đe dọa từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Nga giữa bối cảnh nước này đang để mắt đến các phương tiện quân sự như tiêm kích, động cơ và tàu ngầm.

Quan hệ lạnh nhạt với Mỹ và NATO

Thách thức các lệnh trừng phạt của phương Tây, đồng minh NATO của Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẽ thúc đẩy hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng với Nga, trong đó có các công nghệ về động cơ máy bay, tiêm kích, hệ thống phòng thủ S-400 và tàu ngầm.

Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tiến gần “quỹ đạo” của Nga, hờ hững với Mỹ và NATO - Ảnh 1.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi ngày 29/9/2021. Ảnh: AFP

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với chương trình "Face the Nation", Tổng thống Erdogan cho biết việc Mỹ từ chối chuyển giao tiêm kích F-35 và không bán hệ thống phòng không Patriot đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ không còn lựa chọn khác ngoài hợp tác với Nga để mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400. Hệ thống này là tâm điểm căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO trong suốt thời chính quyền cựu Tổng thống Trump và sẽ còn tiếp diễn dưới thời chính quyền ông Biden.

"Trong tương lai, không ai có thể can thiệp vào việc chúng tôi sở hữu loại hệ thống phòng thủ gì hay ở mức độ nào. Không ai có thể can thiệp vào điều đó. Chúng tôi là những người duy nhất đưa ra các quyết định này", Tổng thống Erdogan cho biết.

Thổ Nhĩ Kỳ đã bị loại khỏi chương trình phát triển tiêm kích tàng hình F-35 Lightening II do Mỹ dẫn đầu. Washington cũng áp lệnh trừng phạt lên Ankara hồi tháng 12/2020 qua Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA). Đây là lần đầu tiên đạo luật này được Mỹ sử dụng để trừng phạt chính đồng minh của mình.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, thượng nghị sĩ Robert Menendez cho biết, các lệnh trừng phạt trên được áp dụng bắt buộc đối với "bất kỳ thực thể nào làm ăn lớn với các ngành tình báo và quân đội của Nga".

"Bất kỳ thương vụ mới nào của Thổ Nhĩ Kỳ đều đồng nghĩa với các biện pháp trừng phạt mới", ông Menendez cho hay.

Để mắt đến công nghệ quân sự Nga

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn "bỏ ngoài tai" những đe dọa này . Ngày 26/9, Tổng thống Erdogan cho biết nước này đang cân nhắc tiếp tục mua hệ thống S-400 thứ hai từ Nga.

"Các cuộc đàm phán cho việc mua hệ thống thứ hai vẫn đang diễn ra. Đây là những cuộc thảo luận mang tầm chính trị và chiến lược. Chúng tôi vẫn chưa đạt được sự nhất trí về công nghệ, tài chính hay chi phí", một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ nhận định với Defense News.

Tổng thống Erdogan cũng đã tới Sochi, Nga ngày 29/9 để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh với Tổng thống Putin.

"Chúng tôi có cơ hội thảo luận toàn diện về những bước tiếp theo để sản xuất động cơ máy bay cũng như các tiêm kích", ông Erdogan nhận định, đồng thời cho biết các lĩnh vực khác có thể bao gồm đóng tàu và tàu ngầm.

Tổng thống Erdogan cũng thông tin tới báo giới rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có ý định yêu cầu bồi thường vì bị loại khỏi chương trình F-35, có thể là trong cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới trong tháng 10.

Thổ Nhĩ Kỳ đang điều hành một chương trình đồng sản xuất 6 tàu ngầm với giấy phép từ Đức. Tuy nhiên, ông Erdogan cho biết chương trình này không tiến triển theo nhịp độ như ông mong muốn.

"Chúng tôi có lẽ phải tìm cách bên thay thế khác", nhà lãnh đạo này cho hay.

Quan chức quốc phòng trên cũng nhận định với Defense News rằng, "Nga có thể là một bên đáp ứng các yêu cầu của chúng tôi về công nghệ động cơ".

"Không chỉ vậy, chúng tôi có lẽ sẽ sớm bắt đầu các cuộc trao đổi để sở hữu các tiêm kích của Nga như một giải pháp tạm thời trước khi chương trình tiêm kích nội địa của chúng tôi phát triển".

Thổ Nhĩ Kỳ đang đẩy mạnh việc thiết kế, phát triển và xây dựng dòng tiêm kích nội địa TF-X trong vài năm qua. Dù vậy, chương trình này đạt được rất ít tiến triên mặc dù việc thiết kế ban đầu được hỗ trợ từ Hệ thống BAE của Anh với hợp đồng trị giá 115 triệu USD.

Tập đoàn công nghiệp hàng không Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) - nhà thầu chính của TF-X vẫn chưa lựa chọn được động cơ cho tiêm kích tương lai. TAI hy vọng TF-X có thể cất cánh vào năm 2025 hoặc 2026 nhưng các nguồn tin nội bộ cho biết mục tiêu này quá xa vời./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại