Chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc - tàu Liêu Ninh - đã hoàn thành một chương trình đại tu và nâng cấp lớn vào tháng 1, trong khi chiếc thứ hai - Type 001A tự sản xuất - hiện đang trải qua các thử nghiệm trên biển và có thể sẵn sàng đi vào hoạt động cuối năm 2019.
Một tàu sân bay thứ ba cũng đang được phát triển, nhưng giống như những người tiền nhiệm, nó sẽ không được cung cấp năng lượng hạt nhân.
Chuyên gia hải quân Li Jie nói rằng để thực sự cạnh tranh trên biển, quân đội Trung Quốc cần một con tàu có khả năng chứa nhiều máy bay chiến đấu J-15.
"Trung Quốc thực sự cần một tàu sân bay mạnh hơn, chạy bằng năng lượng hạt nhân để phóng máy bay chiến đấu siêu nặng J-15."
Dù Trung Quốc đã có tàu ngầm hạt nhân, nhưng các hệ thống họ sử dụng không phù hợp với các tàu sân bay vì chúng không đủ mạnh. Pháp đã học được bài học đó 25 năm trước, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh Zhou Chenming nói.
"Sau khi nhìn thấy những gì đã xảy ra với (tàu sân bay Pháp) Charles de Gaulle, Trung Quốc biết rằng không nên thử và chuyển các lò phản ứng hạt nhân từ tàu ngầm sang tàu sân bay".
Trong nỗ lực cắt giảm chi phí để phát triển Charles de Gaulle - tàu sân bay đầu tiên và duy nhất của Pháp chạy bằng năng lượng hạt nhân - các nhà thiết kế đã sử dụng hai lò phản ứng nước áp lực tàu ngầm K15 làm hệ thống đẩy chính nhưng không hiệu quả.
Kích thước khổng lồ của tàu và sự thiếu sức mạnh từ các động cơ khiến nó có danh hiệu không mong muốn là tàu sân bay chậm nhất thế giới, với tốc độ tối đa chỉ 27 hải lý.
Các chuyên gia cho biết các tàu sân bay cần có khả năng đạt ít nhất 30 hải lý để tạo ra những luồng gió cần thiết phóng máy bay. Khả năng chiến đấu của Charles de Gaulle đã bị giảm mạnh vì tốc độ thấp, ông Zhou nói. "Đây là một bài học đau đớn cho người Pháp."
Để tránh sai lầm tiềm năng đó, Trung Quốc hiện đang tìm kiếm một dự án hợp tác chung với Nga.
Vào tháng 6/2018, Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc được Matxcơva mời tham gia đấu thầu dự án tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ được trang bị các lò phản ứng mô-đun nổi. Con tàu sẽ dài 152 mét, rộng 30 mét với trọng lượng giãn nước 30.000 tấn.
Liên Xô cũ bắt đầu sử dụng tàu phá băng làm nền tảng thử nghiệm để phát triển các lò phản ứng hạt nhân cho các tàu sân bay trong những năm 1950.
Vào thời điểm sẵn sàng chế tạo tàu sân bay hạt nhân đầu tiên, Ulyanovsk, năm 1988, họ đã chế tạo được năm tàu phá băng hạt nhân. Thật không may, tàu sân bay không bao giờ được hoàn thành, vì Liên Xô tan rã năm 1991, bốn năm trước khi kế hoạch khởi động.
Li nói rằng lợi ích của các hệ thống thử nghiệm trên tàu phá băng là chúng cũng đòi hỏi một lượng lớn năng lượng, có thể so sánh với tàu sân bay. "Thiết kế cấu trúc của một tàu phá băng cho phép nó cắt xuyên qua lớp băng dày đặc có nghĩa là nó cần một hệ thống đẩy mạnh mẽ".
Mặc dù Trung Quốc có kinh nghiệm tốt trong việc phát triển các lò phản ứng hạt nhân để sử dụng trên đất liền, nhưng nước này vẫn chưa thành thạo quy trình "thu nhỏ" cần thiết để tạo ra một đơn vị năng lượng hạt nhân phù hợp với tàu sân bay.
"Trung Quốc có khả năng xây dựng hải quân mạnh mẽ, nhưng vẫn còn rất yếu trong việc thu nhỏ hạt nhân. Vì vậy, họ có thể học hỏi từ Nga", ông Zhou nói.
"Nga có công nghệ nhưng không có tiền, Trung Quốc có tiền nhưng không có công nghệ. Bằng cách hợp tác cùng nhau, Trung Quốc sẽ tiến một bước gần hơn đến ngày khởi động một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân."