Trong trường hợp các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria thất bại, nguy cơ về một cuộc xung đột vũ trang trực diện giữa Nga và Mỹ sẽ càng trở nên hiện hữu. Nhưng một cuộc đối đấu như vậy giữa các bên liên quan sẽ diễn ra theo kịch bản nào?
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quân sự, nhìn từ lịch sử các cuộc chiến tranh gần đây, nhiều khả năng nó sẽ được mở màn bằng một loạt các hành động khiêu khích từ phía Mỹ, như: Vu cáo đối phương không kích dân thường, sử dụng vũ khí hóa học, tấn công các phái đoàn nhân đạo, bắn vào máy bay hoặc tàu chiến quân đồng minh và thậm chí là bao vây hủy diệt toàn bộ.
Mỹ và các nước phương Tây sẽ cáo buộc Quân đội Syria và Quân đội Nga phải chịu trách nhiệm về những hành động nêu trên.
Tiếp đến, phớt lờ tất cả các tổ chức quốc tế và nghị quyết do các tổ chức này đưa ra, nhóm nước tự xưng là "những người bạn của Syria" sẽ tuyên bố thiết lập một vùng cấm bay ở Syria để đảm bảo an toàn cho thường dân theo chiến lược "Trách nhiệm bảo vệ" của Mỹ.
Sau chiêu bài dựng cớ khiêu khích sẽ là thông báo về việc mở màn một chiến dịch quân sự toàn diện chống lại "chế độ bạo tàn Syria" và đồng minh.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 được Su-30SM tháp tùng bay qua biển Địa Trung Hải thực hiện nhiệm vụ không kích khủng bố IS ở Syria. Ảnh: AP
Các kịch bản leo thang xung đột
Nếu một quyết định như vậy được đưa ra, mục tiêu của các đợt không kích đầu tiên sẽ là các hệ thống phòng không và trung tâm chỉ huy - điều khiển của Quân đội Syria. Tên lửa hành trình của Mỹ và đồng minh sẽ ồ ạt giội xuống những mục tiêu dễ bị tổn thương nhất hoặc nằm ở những vị trí ít được bảo vệ nhất.
Tất nhiên, chiến dịch không kích sẽ được tiến hành từ khoảng cách an toàn, cách mục tiêu tầm 500 km. Trong trường hợp này, nhóm tác chiến Hải quân Mỹ ở Địa Trung Hải sẽ dược điều chuyển ra khỏi phạm vi tấn công của các tên lửa chống hạm KH-35 (tầm bắn trên 200 km) và P-800 Oniks (SS-N-26 Strobile, tầm bắn lên tới 300 km).
Đặt tình huống, Quân đội Syria sẽ không thể tự đánh trả còn Nga có thể muốn đạt được một số nhượng bộ nào đó trong tiến trình đàm phán. Kịch bản này có thể giúp Mỹ giảm nhẹ nhu cầu tiến hành các chiến dịch quy mô lớn, tốn kém hơn.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga hoạt động tại Syria
Tuy nhiên, nhiều khả năng là Nga sẽ hành động. Tính toán số lượng cố vấn quân sự Nga tại Syria bị tử vong sau các đòn không kích của Mỹ và coi đó như hành động khơi mào khiêu khích, Nga có thể thực hiện một loạt các chiến dịch quân sự, trực tiếp hoặc gián tiếp.
Cụ thể, các tàu chiến Mỹ ở Địa Trung Hải có thể bị tấn công bởi các tàu ngầm diesel-điện Đề án 636 "Warszawianka" hoặc bởi các máy bay ném bom chiến lược Tu-160.
Các tàu chiến hải quân, máy bay không quân, bộ binh và các căn cứ của Mỹ ở Trung Đông tham gia vào những hành động tấn công trên có thể bị pháo binh, tên lửa và các hệ thống phòng không của Nga bố trí trên lãnh thổ Syria phản kích.
Đến đây, bất kỳ một hành động trực tiếp hoặc gián tiếp nào như vậy diễn ra cũng sẽ bị Mỹ coi là hành động gây hấn. Do đó, họ sẽ chuyển sang kịch bản tấn công ồ ạt bằng việc sử dụng sức mạnh của hai hạm đội (5 và 6).
Một chiến dịch như vậy có thể được thực hiện bởi hơn 1.500 quả tên lửa hành trình. Hiện tại, Hạm đội 6 Hải quân Mỹ đang triển khai ở Địa Trung Hải 4 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, gồm: USS Ross (DDG-71), USS Carney (DDG 64), USS Donald Cook (DDG 75) và USS Porter (DDG 78).
Mỗi tàu trên đều được trang bị nhiều bệ phóng thẳng đứng với không ít hơn 90 ống, mỗi ống lại có thể được nạp một loại tên lửa: chống ngầm, chống máy bay hoặc hành trình.
Khi tấn công các mục tiêu trên mặt đất, mỗi ống sẽ phóng ra một tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk. Hạm đội 6 còn được biên chế một tàu ngầm năng lượng hạt nhân lớp Ohio với hơn 150 quả tên lửa hành trình mang theo.
Tàu khu trục USS Porter của Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk tấn công căn cứ không quân Al-Shayrat ở Syria ngày 7/4/2017
Trong khi đó, Hạm đội 5 của Mỹ cũng gồm một nhóm tàu hải quân hùng hậu khác có thể được triển khai ở Vịnh Péc Xích và Biển Đỏ.
Hiện tại, cùng với tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower (CVN 69), Hạm đội 5 còn có 4 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Nitze (DDG 94), USS Roosevelt (DDG 80), USS Stout (DDG 55), USS Mason (DDG 87) và tàu tuần dương USS San Jacinto (CG 56), USS Monterey (CG 61).
Nhóm tác chiến hải quân này cũng được tăng cường thêm 2 tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường. Mục tiêu của cuộc tấn công ồ ạt do Mỹ phát động sẽ là các tàu chiến trên Địa Trung Hải, các trung tâm chỉ huy, sân bay, hệ thống phòng không và tác chiến điện tử của Nga.
Tất nhiên, Mỹ và đồng Mỹ sẽ chỉ thực hiện kịch bản này trong trường hợp họ có thể giành được ưu thế áp đảo trước đối phương.
Mặc dù đã triển khai các hệ thống phòng không Pantsir-S1, S-300 và S-400 cũng như các tổ hợp phòng không đặt trên biển, các hệ thống chỉ huy và điều khiển cũng như hệ thống phòng không của Nga và Syria sẽ phải chịu tổn thất khó phục hồi nếu bị tên lửa hành trình Mỹ tấn công ồ ạt từ khoảng cách an toàn.
Tàu chiến Nga trên biển Địa Trung Hải phóng tên lửa diệt khủng bố IS ở Syria
Đối đầu cực đỉnh sẽ là vũ khí hạt nhân?
Theo các chuyên gia quân sự, để chắc chắn phá hủy được một tổ hợp phòng không của Nga, đối phương sẽ phải phóng khoảng 10 quả tên lửa trong điều kiện bị hỏa lực đáp trả.
Theo một số tính toán, trên toàn lãnh thổ Syria hiện đang triển khai khoảng 200 hệ thống phòng không sẵn sáng tham chiến bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, chỉ cần phá hủy được các radar chính là có thể "làm mù" những hệ thống này.
Khi đó, lá bài giành chiến thắng trong tình huống này là Nga có thể dùng tới các hệ thống tác chiến điện tử tối mật, mà về lý thuyết có thể làm lệch hướng tên lửa hành trình cũng như các tàu hải quân đối phương. Nếu kịch bản này không diễn ra, khó có khả năng Nga sẽ đáp trả bằng vũ khí thông thường.
Trong trường hợp đó, Nga phải đối diện với lựa chọn khó khăn: hoặc phải từ bỏ Syria, phó mặc cho quốc gia này "tan đàn xẻ nghé" bởi các phe phái tham chiến, hoặc phải đáp trả bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Theo Khoản I.27 của Học thuyết Quân sự Liên bang Nga năm 2014 thì "Liên bang Nga sẽ bảo lưu quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân và các dạng vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại Nga và/hoặc các đồng minh cũng như trong trường hợp tấn công chống lại Nga bằng vũ khí thông thường khi sự tồn vong của nhà nước lâm nguy".
Xét đến thời gian bay của các tên lửa hành trình tới mục tiêu (khoảng 40 phút với tốc độ lên tới 880 km/h cho khoảng cách 500 km), ban lãnh đạo quân sự và chính trị Nga sẽ có đủ thời gian để tính toán quy mô vụ tấn công và áp dụng Kế hoạch Đáp trả Lập định trước (Predetermined Response Plan).
Sarmat - Tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất của Nga xuất hiện trong thông điệp liên bang của Tổng thống Vladimir Putin ngày 1/3/2018
Đòn tấn công đáp trả chính của Nga sẽ là các tổ hợp phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Đồng thời, các lực lượng tập trung của Hạm đội 5 và Hạm đội 6 cũng sẽ bị phá hủy bởi tên lửa X-102 từ các máy bay ném bom chiến lược Tu-160.
Về phần mình, Mỹ và đồng minh sẽ cố gắng phát động đòn tấn công hạt nhân đáp trả vào lãnh thổ Nga. Khi đó, bước đi cuối cùng sẽ là sự đối đầu của các vũ khí hạt nhân chiến lược.
Tuy nhiên, những phân tích nêu trên dựa vào các tình huống giả định. Còn xét tới bối cảnh hiện tại, các bên liên quan vẫn có thể tiếp tục đàm phán, tiến tới đạt được thỏa thuận trên nhiều vấn đề.
Sau khi chiếm giữ được Mosul và Raqqa, các lực lượng liên minh do Mỹ đứng đầu sẽ cố gắng kiểm soát càng nhiều lãnh thổ Syria càng tốt. Còn sau khi lấy được Aleppo, Nga cũng sẽ dịch chuyển về trung tâm Syria.
Quốc gia này có thể bị phân chia thành các vùng ảnh hưởng như nước Đức thời hậu chiến. Sau đó, các bên liên quan bắt đầu các cuộc thương thảo chính trị lâu dài về thành lập một chính phủ quốc gia thống nhất và giải quyết quy chế tự trị cho người Kurd.
Theo nhận định của các chuyên gia, dù tình hình có diễn biến thế nào, Nga cũng sẽ tiếp tục đảm bảo khả năng nắm quyền cho một chính phủ trung thành đại diện cho nhân dân Syria cũng như là một đồng minh vững chắc với Moscow, qua đó duy trì được căn cứ hải quân Nga ở Syria.
Về phía Mỹ, các chuyên gia hy vọng, với nhiệm kỳ ông Trump làm chủ Nhà Trắng, các bên ảnh hưởng lớn là Mỹ và Nga sẽ có nhiều cơ hội để đạt được thỏa thuận phân chia ảnh hưởng ở Syria.
Hải quân Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr diệt khủng bố ở Syria