Các nguồn tin Ukraine thông báo rằng Nga đã mất chiếc xe tăng T-90M Proryv thứ 10 kể từ khi phương tiện thiết giáp này được đưa vào khu vực chiến sự.
Đáng chú ý hơn, báo cáo cho biết chiếc MBT này đã bị trúng đạn từ súng phóng lựu AT-4 vào ngay mặt trước - nơi được bọc thép dày nhất.
Một đoạn video lan truyền trên mạng internet đã ghi lại khoảnh khắc sau khi tên lửa phát nổ trong xe tăng. Tháp pháo của T-90M bốc khói nghi ngút và chiếc chiến xa hoàn toàn bất động.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M Proryv sau khi trúng đạn rocket chống tăng AT-4.
Chiếc xe tăng đặc biệt này được gọi là "độc nhất vô nhị" trong Lực lượng Vũ trang Nga. Điểm độc đáo của nó là ở lớp ngụy trang, mặc dù chất lượng hình ảnh khá kém nhưng vẫn có thể nhìn thấy rõ ràng.
Những cỗ chiến xa T-90 Nga triển khai tới Ukraine hầu hết được bao phủ bên ngoài bởi lớp vỏ bọc ngụy trang Nakidka. "Lớp áo" dành cho phương tiện chiến đấu và trinh sát này được sản xuất bởi Viện nghiên cứu thép Moskva.
Lớp vỏ bọc Nakidka giúp xe tăng khó bị quan sát hơn bởi các khí tài điện tử, nó là sự kết hợp của vật liệu cách nhiệt tổng hợp và hấp thụ sóng vô tuyến. Cấu hình ngụy trang này được đặc trưng bởi nó khiến phương tiện gần như có cùng nhiệt độ với môi trường.
Nhà sản xuất tuyên bố, lớp ngụy trang làm giảm khả năng bị phát hiện của xe tăng tới 3 lần trước các loại đạn mang đầu tìm kiếm hồng ngoại. Các nguồn tin Nga khẳng định rằng việc sử dụng Nakidka cũng làm giảm phạm vi nhận diện của radar tới 6 lần, tác dụng lớn nhất của nó là "hợp nhất" đối tượng được che phủ với điều kiện xung quanh.
Đáng ngạc nhiên khi được biết Nakidka ra đời nhằm bảo vệ xe tăng khỏi máy bay trinh sát Boeing E-8 Joint STARS của Mỹ.
Theo thông báo từ phía Nga, việc sử dụng Nakidka cho phép giảm cự ly tối đa mà E-8 có thể phân biệt phương tiện bánh lốp với bánh xích bằng đặc tính Doppler thứ cấp, từ 180 km xuống chỉ còn 30 - 40 km.
Súng phóng rocket chống tăng dùng một lần AT-4 do Mỹ sản xuất.
Trong khi đó, khác với các bệ phóng tên lửa dẫn đường chống tăng (ATGM) đắt tiền được NATO cung cấp cho Ukraine, AT-4 chỉ đơn giản là súng phóng lựu không điều khiển cỡ 84 mm dùng một lần do Tập đoàn SAAB của Thụy Điển phát triển và hiện còn được sản xuất tại Mỹ.
AT-4 cung cấp cho bộ binh một giải pháp tin cậy trong việc chống lại các phương tiện bọc thép hạng nhẹ và hạng trung của đối phương, nó được cho là gặp nhiều khó khăn khi đối đầu xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại.
Đạn rocket của AT-4 có phạm vi hoạt động tối đa lên tới 2.100 mét nhưng hiệu quả nhất là 300 - 400 mét. Vận tốc đầu nòng của nó khoảng 290 m/s (1.000 km/h), hoặc 220 m/s (790 km/h) tùy thuộc loại đạn sử dụng. Đầu đạn xuyên lõm của AT-4 nặng 440 gram, có thể bắn thủng 400 mm thép đồng nhất RHA.
Với thông số trên, sẽ cần thêm bằng chứng AT-4 là "tác giả" hạ gục chiếc T-90M, bởi theo nhiều chuyên gia quân sự, vũ khí này chỉ hiệu quả khi bắn tạt sườn hay từ phía sau, vào đúng vị trí không được bảo vệ bởi giáp phản ứng nổ.