Mạo hiểm
Tạp chí Mỹ cho biết, máy bay mới mang tên "Tiêm kích tiền phương hạng nhẹ đa năng" (LMFS) sẽ là sản phẩm hợp tác của Tập đoàn hàng không thống nhất (UAC) và Mikoyan.
Đại diện của UAC, việc phát triển máy bay thế hệ 5 mới này sẽ dựa vào nguồn vốn riêng sử dụng nguồn vốn riêng để đầu tư cho dự án này, thay vì chờ ngân sách do chính phủ cấp. Theo những thông tin ban đầu, máy bay LMFS được trang bị cặp cánh phía trước, tương tự thiết kế của máy bay tàng hình MiG 1.44 được phát triển cuối những năm 1980.
LMFS dự kiến có khối lượng rỗng khoảng 15 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa tới 25 tấn. Chiến đấu cơ này được trang bị khoang vũ khí giấu trong thân và các hệ thống điện tử hàng không tiên tiến.
Với cặp động cơ phản lực Klimov VK-10M, phiên bản hiện đại hóa sâu của dòng RD-33 trên tiêm kích MiG-29 và MiG-35, máy bay LMFS có thể đạt tốc độ tối đa 2.500 km/h và tầm bay tới 4.000 km khi được lắp thêm thùng dầu phụ.
Ngoài ý tường ban đầu với 2 động cơ, Mikoyan có thể chỉnh sửa thiết kế, biến LMFS thành tiêm kích một động cơ, nếu mẫu động cơ thế hệ mới "sản phẩm 30" của dự án Sukhoi PAK-FA kịp hoàn thiện.
Hiện Bộ Quốc phòng Nga chưa có bất kỳ phản ứng nào trước kế hoạch phát triển máy bay LMFS, tuy nhiên theo nhận định của Tạp chí National Interest, nhà sản xuất Mikoyan khá mạo hiểm với kế hoạch sản xuất máy bay tàng hình thế hệ mới này.
Nhận định của tạp chí Mỹ được đưa ra khi Nga công khai LMFS sản xuất dựa trên nguyên mẫu của MiG 1.44 - loại tiêm kích từng thất bại trước T-50 của nhà sản xuất Sukhoi trong gói thầu mua chiến đấu cơ tàng hình dành cho Không quân Nga.
Theo tạp chí này, thất bại trước đó cộng với việc tự bỏ tiền túi phát triển LMFS, trong khi lại chưa nhận được bất kỳ hứa hẹn nào từ Bộ Quốc phòng Nga khiến chương trình phát triển máy bay tàng hình thế hệ mới của Mikoyan trở nên quá phiêu lưu và mạo hiểm.
Cơ hội tái sinh
Ngay từ năm 1979, hãng chế tạo máy bay Mikoyan đã trình làng mẫu tiêm kích tàng hình MiG 1.44 để đối trọng với tiêm kích tàng hình F-22 Raptor của Mỹ.
Máy bay MiG 1.44 được cho là có nhiều công nghệ giảm thiểu tín hiệu vô tuyến, giúp máy bay tàng hình trước radar đối phương. Năm 2000, mẫu MiG 1.44 bay thử 2 lần, và sau đó dự án này bị xếp xó với những lý do không thực sự rõ ràng.
Theo một số nguồn tin quân sự Nga, lý do chính khiến chương trình MiG 1.44 bị đóng băng là Moscow đã có sự lựa chọn của mình với tiêm kích tàng hình thế hệ 5. Cụ thể, Không quân Nga đã chọn tiêm kích T-50 cho chương trình chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 duy nhất của mình trong cuộc canh tranh với tiêm kích MiG 1.44 của Mikoyan.
Ngoài lý do kể trên, theo truyền thông Nga, sở dĩ Moscow lạnh nhạt với tiêm kích MiG 1.44 là do vào thời điểm đó ngân sách hạn hẹp không cho phép Nga đồng thời thực hiện 2 chương trình máy bay tàng hình. Tuy nhiên, đâu mới thực sự là lý do khiến chương trình MiG 1.44 phải lưu kho thì chỉ có chính giới quân sự Nga mới rõ.
Tuy nhiên, sau gần 20 năm rơi vào "quên lãng", máy bay MiG 1.44 có cơ hội được tái sinh khi được chọn làm nguyên mẫu để phát triển máy bay LMFS. Theo những thông tin được truyền thông Nga công khai, tiêm kích MiG 1.44 được trang bị 2 động cơ AL-41F.
Đây là loại động cơ đầu tiên trên thế giới có tính năng điều khiển véc tơ lực đẩy. Nhờ loại động cơ tiên tiến này mà MiG 1.44 có khả năng siêu cơ động, thực hiện được nhiều động tác vô cùng khó mà các máy bay khác khó có thể làm được. Hệ thống điện tử trên MiG 1.44 khiến Mỹ và phương Tây cũng phải kính nể.
MiG 1.44 được trang bị radar xung Doppler với một ăngten quét mảng pha điện tử quét bị động. Hệ thống radar được kết nối với hệ thống điều khiển hỏa lực cho phép chiếc máy bay giao chiến với 20 mục tiêu riêng biệt cùng lúc. Theo các chuyên gia quân sự, MiG 1.44 hoàn toàn có khả năng tấn công tương đương với siêu tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ.
Tiêm kích MiG 1.44 có thể mang 8 tên lửa hiện đại R-77. Ngoài ra, một số thông tin cho rằng, MiG 1.44 là máy bay thí nghiệm kỹ thuật tàng hình plasma của Nga, cho phép máy bay có khả năng tàng hình mà không làm ảnh hưởng tới hình dạng bên ngoài.