Nga luôn đi trước một bước, UAV phiến quân ngơ ngác khi bị "tóm sống" ở căn cứ Khmeimim

Trà Khánh |

Việc phiến quân Syria cùng các thế lực đứng sau sử dụng UAV tấn công để phá hoại căn cứ Khmeimim là kế hoạch hết sức thâm hiểm, tuy nhiên điều đó đã nằm trong dự tính của Nga.

Phương Tây bí mật tiếp sức, phiến quân "cố đấm ăn xôi" tấn công Khmeimim

Khi các cuộc tấn công bằng pháo và rocket vào căn cứ không quân Khmeimim không còn hiệu quả, đồng thời chịu tổn thất nặng nề sau các đợt không kích phản đòn của Nga. Tuy vậy, phiến quân khủng bố Syria vẫn không từ bỏ ý định tấn công Khmeimim và chúng bắt đầu chuyển sang hình thái tác chiến kiểu mới dưới sự hỗ trợ của một thế lực bí ẩn.

Trong năm 2018, đan xen với các cuộc tấn công bằng pháo và rocket lẻ tẻ phiến quân Syria bắt đầu lên một kế hoạch phá hoại tinh vi nhằm vào căn cứ Khmeimim của Không quân Nga với sự hỗ trợ từ các tổ chức tình báo và đặc nhiệm nước ngoài.

Điểm cơ bản của kế hoạch này là việc sử dụng các loại máy bay tấn công không người lái (UAV) tự chế mang theo những quả bom mini bí mật vượt qua hệ thống phòng không ở Khmeimim sau đó tấn công khu vực nhà chứa máy bay và một số cơ quan đầu não lực lượng viễn chính của Quân đội Nga ở Syria.

Nga luôn đi trước một bước, UAV phiến quân ngơ ngác khi bị tóm sống ở căn cứ Khmeimim - Ảnh 1.

Cận cảnh UAV tấn công tự chế của phiến quân Syria bị lực lượng phòng không Nga bắt sống. Ảnh: RT.

Để làm được điều này những chiếc UAV tấn công của phiến quân được chế tạo từ những vật liệu hết sức đơn giản từ nhựa, ván ép và cả xốp, kết hợp với đó là một động cơ cánh quạt cỡ nhỏ. Thiết kế trên cho phép mẫu UAV này có thể bay ở tầm thấp với phạm vi tác chiến hiệu quả lên đến hơn 150km và khó bị phát hiện bởi các loại radar thông thường.

Với tầm tác chiến trên, UAV này hoàn toàn có thể cất cánh từ Idlib tấn công Khmeimim và quay lại, thế nhưng phiến quân Syria không có ý định thu hồi các UAV này mà biến chúng thành một loại vũ khí tấn công "tự sát".

Mặt khác khi sử dụng các loại vật liệu sẵn có cũng giúp việc chế tạo UAV tại Syria trở nên dễ dàng hơn, kể cả những quả bom mà UAV mang theo cũng là bom tự chế được chế tạo ở Syria với kích thước nhỏ và nhẹ nhưng thừa sức khiến các máy bay chiến đấu cơ Nga chịu thiệt hại nặng khi bị đánh trúng.

Tuy nhiên, chừng đó chưa đủ để mẫu UAV này trở thành mối đe dọa đối với căn cứ Khmeimim, mà điểm mấu chốt ở đây chính là việc UAV này được trang bị các công nghệ điều khiển và dẫn đường tiên tiến của phương Tây thứ mà phiến quân Syria không thể mua được hay chế tạo ra với cơ sở hạ tầng mà chúng hiện có.

Trong nhiều chiếc UAV của phiến quân bị Quân đội Nga hay Quân đội Syria (SAA) bắt sống gần căn cứ Khmeimim, hệ thống điều khiển và dẫn đường của chúng đều được chế tạo từ các linh kiện điện tử có nguồn gốc từ phương Tây thậm chí có cả hệ thống hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GPS.

Nga luôn đi trước một bước, UAV phiến quân ngơ ngác khi bị tóm sống ở căn cứ Khmeimim - Ảnh 3.

Thiếu tướng Igor Konashenkov phát ngôn viên của Quân đội Nga giới thiệu UAV của phiến quân bị bắt sống cho các phóng viên phương Tây đến thăm căn cứ Khmeimim trong đầu tháng 10 vừa qua. Ảnh: CBC.

Một điểm lạ khác là các linh kiện trên dường như được chế tạo giành riêng cho UAV tấn công của phiến quân, bởi nếu mua lẻ trên thị trường các linh kiện này cần tới một đội ngũ kỹ sư có chuyên môn và cả thiết bị để kết hợp chúng lại với nhau. Việc gắn các linh kiện này lên trên một chiếc UAV tự chế làm bằng ván ép và nhựa cũng không hề dễ dàng.

Từ vài điểm trên có thể đưa ra nhận định rằng, phiến quân Syria không sở hữu đủ năng lực để chế tạo ra một mẫu UAV tấn công phức tạp như vậy nếu như không có sự hướng dẫn hoặc hỗ trợ từ bên ngoài, mà cụ thể hơn là các cơ quan tình báo của phương Tây.

Cùng bị UAV tập kích, Patriot của Mỹ đại bại, căn cứ Khmeimim lại thắng lớn

Nếu so sánh các vụ tấn công bằng UAV vào căn cứ Khmeimim với sự kiện nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia bị UAV và tên lửa hành trình Yemen tấn công, ta có thể thấy giữa chúng có nhiều điểm chung. Tuy nhiên, kết quả của hai vụ tấn công lại khác nhau 180 độ.

Về cơ bản ở cả hai vụ tấn công, UAV đều được sử dụng để thực hiện các đòn tấn công bất ngờ khi bí mật vượt qua hệ thống phòng không của đối phương bằng cách lợi dụng "điểm mù" của hệ thống radar cảnh giới cùng với đó là việc bay ở trần bay cực thấp, luồn sâu và tiếp cận mục tiêu rồi tung đòn tấn công.

Nga luôn đi trước một bước, UAV phiến quân ngơ ngác khi bị tóm sống ở căn cứ Khmeimim - Ảnh 4.

Trong ảnh là UAV tấn công của phiến quân Syria (bên trái) và UAV tấn công Yemen (bên phải), nhìn sơ qua có thể thấy chúng có khác biệt quá lớn về công nghệ chế tạo. Ảnh: Sky News.

Các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia dù được bảo vệ bởi các vũ khí tối tân nhất của Mỹ nhưng lại không thể phát hiện hay đánh trả lại các cuộc tấn công bằng UAV của Yemen và chịu thiệt hại nặng. Những mẫu UAV có kích thước lớn hơn nhiều so với UAV phiến quân Syria thậm chí chúng còn dễ bị phát hiện khi có nhiều chi tiết làm bằng kim loại.

Rõ ràng hệ thống phòng không mà Mỹ bán cho Saudi Arabia có quá nhiều lỗ hỏng khiến chúng không thể tác chiến hiệu quả với các cuộc tấn công bằng vũ khí công nghệ cao như UAV hay tên lửa hành trình.

Còn trong trường hợp UAV phiến quân Syria tấn công căn cứ Khmeimim mọi việc lại diễn ra theo chiều hướng ngược lại, khi các đợt tấn công của phiến quân bị chặn đứng ngay từ xa trước khi chúng có thể kịp nhìn thấy Khmeimim. Điều này cho thấy hệ thống phòng không của Nga ở căn cứ này đã làm việc hiệu quả như thế nào.

Nga luôn đi trước một bước, UAV phiến quân ngơ ngác khi bị tóm sống ở căn cứ Khmeimim - Ảnh 5.

Hầu hết UAV của phiến quân sử dụng tấn công Khmeimim đều bị bắt sống hoặc đánh chặn trước khi chúng kịp đến đích, mặc dù để phát hiện ra các mục tiêu bay này là nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với phòng không Nga. Ảnh: Pinterest.

Hệ thống phòng không mà Nga xây dựng tại Khmeimim được tạo nên bởi sự kết hợp của nhiều nền tảng phòng không khác nhau từ tầm xa cho đến tầm gần, hỗ trợ cả tác chiến điện tử chống lại các mối đe dọa từ các cuộc tấn công bằng vũ khí công nghệ cao như UAV hay tên lửa hành trình.

Do đó cho đến nay, căn cứ Khmeimim vẫn giữ "sạch lưới" của mình khi chưa chịu bất cứ thiệt hại nào từ các cuộc tấn công bằng pháo, rocket hay cả UAV, dù nơi đây cách khu vực do phiến quân kiểm soát chỉ trên dưới 30km từ Bắc Latakia cho đến Hama.

Nếu như các tổ hợp phòng không tầm xa như S-300 và S-400 ở Khmeimim được sử dụng để đối phó với các cuộc không kích tầm xa, thì việc ngăn chặn các mục tiêu bay nhỏ, tầm gần và bay sát mặt đất như UAV lại là nhiệm vụ của các tổ hợp phòng không như Pantsir-S1 và Tor.

Ngoài các hệ thống radar cảnh giới sẵn có trên các tổ hợp phòng không, Nga còn triển khai đến Syria nhiều tổ hợp radar cảnh giới chuyên bắt bám các mục tiêu bay tầm thấp, cho tới tầm xa hỗ trợ cho tác chiến phòng không đa tầng như 48YA6-K1 "Podlet-K1", 1L125 "Niobium-SV", Kasta-2E2 và 1L122-1E "Harmon".

Trong đó, việc phòng không Nga ở Khmeimim có thể ngăn chặn nhiều vụ tập kích đường không bằng UAV của phiến quân trong thời gian qua, có một phần công lớn của 1L122-1E "Harmon".

Nga luôn đi trước một bước, UAV phiến quân ngơ ngác khi bị tóm sống ở căn cứ Khmeimim - Ảnh 6.

Tổ hợp radar định vị mục tiêu 1L122-1E "Harmon" được triển khai bên trong căn cứ Khmeimim, ngay cạnh nó là đài radar cảnh giới nhìn vòng tầm siêu xa 91N6 của tổ hợp phòng không S-400. Ảnh: CBC.

Tổ hợp 1L122-1E "Harmon" là hệ thống radar định vị mục tiêu được thiết kế để phát hiện, theo dõi giám sát các mục tiêu tầm thấp. 1L122-1E được Quân đội Nga sử dụng để cung cấp dữ liệu thông tin giám sát phòng không, hỗ trợ cho các radar tại sân bay và sân bay dã chiến, thực hiện nhiệm vụ phòng không chiến trường cho các đơn vị quân đội.

Cụ thể 1L122-1E có khả năng phát hiện, định vị, giám sát các mục tiêu đường không như máy bay các loại, tên lửa hành trình và các phương tiện bay không người lái trên không. Thực hiện xác định vật thể bay "địch – ta". Tự động truyền dữ liệu theo dõi tới các hệ thống kiểm soát, điều hành tác chiến tự động.

1L122-1E có phạm vi hoạt động lên đến 40km, góc hướng 360 độ, góc tầm từ -5 đến 45 độ, độ cao mục tiêu đến 10.000m, có khả năng theo dõi các mục tiêu có tốc độ bay 700 m/s.

Do kích thước nhỏ gọn, đài radar của 1L122-1E cho phép triển khai nhanh trên mọi địa hình tác chiến, bao gồm các khu vực địa hình khó khăn, phức tạp vùng rừng núi. Tự động xác định vị trí tọa độ, định hướng thông qua việc sử dụng định vị vệ tinh GLONASS và GPS.

Nga luôn đi trước một bước, UAV phiến quân ngơ ngác khi bị tóm sống ở căn cứ Khmeimim - Ảnh 7.

Tổ hợp radar 1L122-1E đặt trên khung gầm bánh xích đa nhiệm MT-LB. Ảnh: roe.ru.

Từ các tính năng trên của 1L122-1E có thể dễ hiểu khi nó được Nga triển khai tại căn cứ Khmeimim nhằm đối phó với các cuộc tấn công từ UAV của phiến quân ngay trong đầu năm 2018, khi các cuộc tấn công đầu tiên diễn ra.

Với thông tin giám sát phòng không thu được 1L122-1E có thể cung cấp dữ liệu mục tiêu cho rất nhiều hệ thống phòng không tầm thấp khác nhau, mà ở Khmeimim chính là các tổ hợp Pantsir-S1 và Tor hay các tên lửa phòng không vác vai (MANPADS). Từ đó cho phép các tổ hợp này đánh chặn hiệu quả mục tiêu trước khi nó kịp đến Khmeimim.

Nga luôn đi trước một bước, UAV phiến quân ngơ ngác khi bị tóm sống ở căn cứ Khmeimim - Ảnh 8.

Tổ hợp radar 1L122-1E tác chiến cùng Quân đội Syria trên chiến trường. Ảnh: @Syr_Mil_Wik.

Mặt khác, các dữ liệu từ 1L122-1E cũng có thể được sử dụng để phối hợp các tổ hợp tác chiến điện tử nhằm chiếm quyền kiểm soát hay vô hiệu hóa UAV phiến quân ngay trên không.

Có thể nói, việc phiến quân Syria cùng các thế lực đứng sau sử dụng UAV tấn công tự chế để phá hoại Khmeimim là kế hoạch hết sức xuất sắc, tuy nhiên điều đó đã nằm trong dự tính của người Nga và những gì đang xảy ra trên chiến trường đã minh chứng cho điều đó, bởi không có chiếc UAV nào của phiến quân có thể tới được đích mà chúng được lập trình trước khi cất cánh.

Không chỉ được sử dụng để bảo vệ Khmeimim, Quân đội Nga còn cung cấp các tổ hợp 1L122-1E cho Quân đội Syria (SAA) để tăng cường khả năng phòng không của Syria trước các mối đe dọa của thế lực thù địch. Và hình ảnh 1L122-1E theo Quân đội Syria trên khắp các chiến trường không còn là điều hiếm thấy.

Việc Nga hết lần này cho đến lần khác ngăn chặn và làm thất bại các cuộc tấn công bằng pháo, rocket và sau này là cả UAV của phiến quân đã cho thấy Moscow đã chuẩn bị tốt ra sao để bảo vệ căn cứ Khmeimim trước mọi mối đe dọa từ chiến trường Syria.

Thành công trên cũng không thể không nhắc đến khả năng tác chiến tuyệt vời của các khí tài phòng không do Nga phát triển, có thể đáp ứng được mọi yêu cầu tác chiến trong môi trường chiến tranh hiện đại, vô hiệu hóa tác chiến phi đối xứng và đối phó tốt với các loại vũ khí công nghệ cao, đây là điều chưa có quốc gia nào làm được.

Toàn cảnh hệ thống phòng không của Nga tại căn cứ không quân Hmeymim.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại