Các hãng hàng không lớn ở Nga như Aeroflot và S7 cho biết đã nhận được thông báo liên quan đến GPS từ Rosaviatsia.
Động thái này được đưa ra sau khi có nhiều báo cáo về việc gây nhiễu và giả mạo tín hiệu của hệ thống vệ tinh Mỹ.
Tờ Izvestia (Nga) ngày 22/4 đưa tin, Cơ quan Quản lý hàng không Nga Rosaviatsia đã thông báo cho các hãng hàng không nước này hướng dẫn phi công học cách lái máy bay mà không cần dựa vào GPS của Mỹ.
Theo công văn từ Rosaviatsia, cơ quan này đã chỉ thị các hãng hàng không nước này chuẩn bị đối phó với việc không có GPS, vốn vận hành dựa trên việc xác định vị trí của các vệ tinh nhân tạo do Mỹ kiểm soát.
Quyết định từ phía Nga được đưa ra sau một báo cáo hồi tháng 3 của Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu (EASA). Trong đó, EASA cảnh báo về việc gia tăng các trường hợp gây nhiễu và giả mạo tín hiệu của hệ thống GPS sau ngày 24/2 - thời điểm Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Những vụ việc này chủ yếu xảy ra ở các khu vực như vùng đất phía tây của Nga, vùng Kaliningrad, vùng Baltic, phía đông Phần Lan, Biển Đen, phía đông Địa Trung Hải, Israel, Cyprus, Lebanon, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và phía bắc Iran...
Theo cảnh báo của EASA, những sự cố này đã khiến một số máy bay thay đổi hướng bay hoặc điểm đến do các phi công không thể hạ cánh an toàn mà không có sự hỗ trợ của GPS.
Theo thông báo của Rosaviatsia, các hãng hàng không Nga cần đánh giá rủi ro của các sự cố GPS như thế này và đào tạo thêm cho phi công về các biện pháp xử lý tình huống trong trường hợp gặp trục trặc như vậy.
Ngoài ra, các phi hành đoàn cũng được yêu cầu phải báo cáo ngay lập tức cho bộ phận kiểm soát không lưu khi gặp vấn đề về kết nối với hệ thống GPS.
Tuy nhiên, tờ Izvestia cũng cho biết, công văn trên chỉ là một khuyến nghị và không cấu thành lệnh cấm sử dụng GPS với các hãng hàng không của Nga.
Một số hãng vận tải hàng không Nga, bao gồm cả những ông lớn như Aeroflot và S7, xác nhận đã nhận được thông báo liên quan từ Rosaviatsia; nhưng họ khẳng định không gặp bất kỳ vấn đề nào với GPS trong hơn 2 tháng qua.
Tuy nhiên, Rosaviatsia sau đó làm rõ rằng, "việc ngắt kết nối với GPS hoặc sự cố gián đoạn của hệ thống này sẽ không ảnh hưởng đến an toàn chuyến bay ở Nga".
Cũng theo cơ quan này, tín hiệu GPS không phải là nguồn thông tin duy nhất về vị trí của máy bay. Các phi hành đoàn có thể dựa vào hệ thống định vị quán tính của máy bay cũng như các hệ thống định vị và hạ cánh trên mặt đất.
Tháng trước, Dmitry Rogozin - người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) - cảnh báo rằng, Washington có thể sẽ ngắt kết nối GPS đối với Nga như một phần của các biện pháp trừng phạt hà khắc áp đặt lên nước này vì cuộc xung đột ở Ukraine.
Hôm 22/4, ông Rogozin đã viết trên Telegram về đề xuất tất cả các máy bay thương mại của Nga chuyển từ sử dụng GPS sang Glonass - hệ thống định vị toàn cầu của nước này.
Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ phức tạp vì máy bay Boeing và Airbus - loại máy bay được các hãng hàng không Nga sử dụng chủ yếu - được thiết kế để chỉ hỗ trợ công nghệ GPS.