Các cơ sở phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Châu Âu đặt ở vị trí trong phạm vi tấn công hiệu quả của các lực lượng Nga.
Mới đây, Thượng tướng Sergei Karakayev - Tư lệnh các lực lượng tên lửa chiến lược của Nga trả lời về việc triển khai các cơ sở phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Romania và Ba Lan trong cuộc phỏng vấn với tờ Krasnaya Zvezda.
"Chúng ta không được quên rằng các cơ sở phòng thủ tên lửa của Châu Âu nằm trong phạm vi của các phương tiện tấn công hiệu quả khác (không phải hạt nhân) của lực lượng vũ trang chúng ta" - Thượng tướng Karakayev nói.
Cuối tháng trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố, việc triển khai các hệ thống tên lửa đạn đạo Aegis Ashore của Mỹ ở Châu Âu là vi phạm trực tiếp Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Một cơ sở tên lửa Aegis Ashore đã đi vào hoạt động tại căn cứ quân sự Deveselu ở Romania vào tháng 5.2016. Cơ sở này bao gồm trung tâm điều khiển tên lửa đạn đạo, hệ thống phóng Mk-41 di động với tên lửa đánh chặn SM-3. Cơ sở này được khoảng 200 quân nhân Mỹ vận hành.
Theo chương trình Aegis Ashore , dàn tên lửa đánh chặn SM-3 sẽ đi vào vận hành tại Ba Lan trong năm 2020.
Nhiều lần, Bộ Ngoại giao Nga đã tuyên bố, việc Washington triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis Ashore ở Đông Âu là vi phạm các cam kết theo Hiệp ước INF .
Hôm 20.10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nước này sẽ rút khỏi Hiệp ước INF với cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov gọi đây là một động thái nguy hiểm.
Hiệp ước INF được ký kết ngày 8.12.1987 và có hiệu lực vào ngày 1.6.1988.
Hiệp ước này cấm các bên ký kết triển khai các tên lửa phóng từ mặt đất tầm trung (tầm bắn từ 1.000 - 5.000km) và các tên lửa tầm ngắn (tầm bắn từ 500 - 1.000 km).
Trong những năm gần đây, Washington đã nhiều lần cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận. Mátxcơva đã mạnh mẽ bác bỏ các cáo buộc.