Nga gây bất ngờ lớn khi cho máy bay siêu âm Tu-144 tái xuất

Sao Đỏ |

Sau khoảng thời gian dài vắng bóng, mới đây khung thân của một chiếc máy bay chở khách siêu âm Tu-144 đã được Nga cho ra mắt với vẻ ngoài rất bóng bẩy.

Vào ngày 16/7, một chiếc máy bay siêu âm Tu-144 đã được tháo dỡ và vận chuyển đến Zhukovsky, gần thủ đô Moskva của Nga và sẽ được hoán cải công năng thành tượng đài để trở thành cột mốc của thành phố. Theo thông báo, lễ khai chương di tích sẽ được tổ chức vào đêm trước khi diễn ra Triển lãm hàng không MAKS 2019 vào đầu tháng 8.

Tu-144 chính là máy bay chở khách siêu âm đầu tiên trên thế giới do Văn phòng thiết kế Tupolev chế tạo trong thời kỳ Xô Viết, nó thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 12/1968. Với chiều dài 65,7 m; chiều cao 12,55 m; sải cánh 28,8 m; trọng lượng cất cánh tối đa 200 tấn, Tu-144 có thể chở 140 hành khách ở tốc độ tối đa 2.125 km/h.

Ngay sau chuyến bay đầu tiên của Tu-144, chiếc Concord do Anh và Pháp phát triển cũng cất cánh chào bầu trời. Vì hai máy bay rất giống nhau cho nên chúng được coi là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Tuy nhiên theo đánh giá tổng thể thì công nghệ trên Tu-144 không tốt bằng Concord, thậm chí một số thiết kế đã vượt quá trình độ của ngành công nghiệp Liên Xô tại thời điểm đó.

Nga gây bất ngờ lớn khi cho máy bay siêu âm Tu-144 tái xuất - Ảnh 1.

Máy bay chở khách siêu âm Tu-44 được vận chuyển tới ngoại vi thành phố Zhukovsky

Hai điểm yếu lớn của Tu-144 so với Concorde chính là bộ phận phanh và điều khiển động cơ. Trong khi Concorde sử dụng phanh làm từ sợi cabon có khả năng chịu được nhiệt lượng cao phát sinh trong quá trình hãm cho máy bay di chuyển chậm lại khi tiếp đất thì Nga chưa có khả năng chế tạo vật liệu này.

Concorde cũng là chiếc phi cơ chở khách đầu tiên được tích hợp hệ thống điều khiển bay thông qua máy tính, đây chính là công nghệ "bay bằng dây" cực kỳ tiên tiến áp dụng trên các máy bay chiến đấu sau này.

Ngoài thua kém về công nghệ, số phận của Tu-144 cũng cực kỳ kém may mắn khi nó gặp tai nạn nghiêm trọng ngay khi ra mắt tại Triển lãm hàng không Paris ngày 3/6/1973, dẫn đến cái chết của 6 người trên máy bay và 8 người trên mặt đất, gây ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động tiếp theo của Tu-144.

Nga gây bất ngờ lớn khi cho máy bay siêu âm Tu-144 tái xuất - Ảnh 2.

Khung thân chiếc máy bay chở khách siêu âm Tu-144 sẽ được sử dụng như một tượng đài của thành phố

Giới phân tích cho rằng tai nạn của chiếc Tu-144 có phần tác động của người Pháp khi họ cử một chiếc tiêm kích Mirage III bay lên trên để chụp ảnh khi chiếc Tu-144 đang biểu diễn nhưng không thông báo cho phía Liên Xô.

Khi phi hành đoàn Tu-144 phát hiện trùng đường bay với chiếc Mirage III, cơ trưởng Mikhail Kozlov buộc phải lách để tránh va chạm khiến động cơ bị quá tải và chết máy.

Trong tình thế này, phi công Kozlov phải cho máy bay chúi đầu xuống để khởi động lại động cơ, dẫn đến việc toàn bộ khung thân máy bay chịu áp lực quá lớn làm gãy đôi cánh dẫn đến bị rơi.

Sau nhiều sửa đổi bao gồm cả việc lắp thêm cánh mũi có thể thụt vào để cải thiện tính năng bay tốc độ thấp, thiết kế đường dẫn vào mới, tăng sải cánh, thân máy bay được kéo dài và bỏ ghế phóng của phi công vốn có ở mẫu đầu tiên, chiếc máy bay đã có vẻ đáng tin cậy.

Nhưng cũng phải đến năm 1977 thì Tu-144 mới khai thác thương mại, tuy nhiên do tiếng ồn quá lớn mà nó không được phép bay qua khu dân cư đông đúc, dẫn tới hiệu quả khai thác thấp vì số lượng hành khách quá ít, buộc hãng hàng không Aerofot phải bù lỗ.

Sau hai sự cố vào năm 1977, Tu-144 không còn chở khách nữa mà chuyển sang vận tải bưu chính, hàng hóa. Đến năm 1985, Tu-144 dừng hoạt động hoàn toàn rồi quay lại một cách hoành tráng vào năm 1996 nhưng cũng chỉ thực hiện 32 chuyến bay và dừng hẳn vào tháng 4/1999 với tổng cộng 16 máy bay được chế tạo.

Máy bay chở khách siêu âm Concorde và Tu-144 Tại Triển lãm Paris Air Show 1973

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại