Nga gấp gáp đóng 4 tàu phá băng khổng lồ để thống trị Bắc cực

Bình Giang |

Tại xưởng đóng tàu Baltic của TP St. Peterburg, những chiếc cần trục quay qua quay lại trên sông Neva, khi hàng trăm công nhân đang chế tạo 4 chiếc tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Xưởng đóng tàu Baltic. (Ảnh: Geliovostok.ru)

Xưởng đóng tàu Baltic. (Ảnh: Geliovostok.ru)

Được đặt tên theo các vùng đất ở phía bắc nước Nga, những con tàu khổng lồ này sẽ được đưa đến Bắc cực để bảo đảm vai trò thống trị của Mátxcơva ở vùng đất nơi băng đang tan.

Nga đang nỗ lực trở thành cường quốc dẫn đầu ở khu vực, nơi những tảng băng đang tan chảy giúp Mátxcơva tạo nên một tuyến vận tải mới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin xác định Bắc cực là một ưu tiên và đang đầu tư nhiều tiền vào Tuyến vận tải biển phương Bắc nhằm cho phép các tàu nước này đi đến hàng loạt cảng biển châu Á nhanh hơn 15 ngày so với tuyến truyền thống qua kênh Suez.

Hoạt động giao thông qua Bắc cực thường kết thúc vào tháng 11 của năm, nhưng Mátxcơva hy vọng các tàu phá băng sẽ giúp tuyến đường này có thể đi lại quanh năm.

Các tàu bắt đầu hành trình tại xưởng đóng tàu Baltic, nơi ra đời của gần như tất cả tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân của Liên Xô, trừ tàu Lenin. Con tàu này giờ đã biến thành một bảo tàng và đang đậu tại cảng Murmansk ở Bắc cực.

Đó sẽ là cảng nhà của 4 tàu phá băng Sibir, Ural, Yakutia và Chukhotka.

Ông Kirill Myadzyuta, kỹ sư trưởng tại xưởng đóng tàu, nói rằng những con tàu này là "bước tiến lớn" cho sự phát triển ở Bắc cực.

Bốn con tàu được thiết kế để chống chọi với điều kiện thời tiết cực đoan ở Bắc cực. Với chiều cao 52m và dài 173m, chúng có thể phá những tảng băng dày tới 2,8m.

Mỗi con tàu tiêu tốn hơn 400 triệu USD, sau này sẽ được bàn giao cho tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Rosatom.

Hơn 1.000 người đang tham gia chế tạo và phải mất 5-7 năm để hoàn tất.

Các công nhân đang nỗ lực làm xong tàu Sibir để nó có thể rời khỏi cảng vào cuối năm nay. Những tàu còn lại sẽ tham gia đội của Rosatom vào các năm 2022, 2024 và 2026.

Cạnh tranh giữa các cường quốc để giành quyền kiểm soát tuyến vận tải qua Bắc cực đang ngày càng nóng, nhất là giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Tại lễ khởi công năm ngoái, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin nói rằng đội tàu phá băng này sẽ ‘bảo đảm sự vượt trội của Nga ở Bắc cực".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại