Nga đang thúc giục Đức và Pháp phá vỡ quan hệ đồng minh với người Mỹ để giúp xây dựng lại Syria, cho phép những người tị nạn có thể về nhà, một cố vấn cấp cao của chính phủ Nga cho biết.
Nói trong một cuộc phỏng vấn, nhà phân tích Vitaly Naumkin cho biết, Nga có rất ít triển vọng trong một thỏa thuận với Mỹ, nhất là khi nước này quyết định giữ quân ở lại Syria cho đến khi Iran rút lui.
Thay vào đó, Nga đang tập trung vào nỗ lực tổ chức hội nghị thượng đỉnh về Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Kế hoạch đang được tổ chức bởi chính nhu cầu của châu Âu về tương lai của chính quyền Bashar al-Assad.
"Tôi không hiểu tại sao châu Âu lại phải cúi đầu vì Washington", Naumkin, một trong những cố vấn hàng đầu của Nga về chính sách Syria nói.
"Nếu châu Âu nghĩ rằng chúng ta nên loại bỏ chính quyền Assad và đưa một số lực lượng đối lập ôn hòa lên nắm quyền thì thực sự họ đang sống trong vùng đất tưởng tượng. Khủng bố sẽ tiếp quản và cắt cổ họng mọi người".
Về một số vấn đề Trung Đông, như bảo vệ thỏa thuận hạt nhân của Iran, Liên minh châu Âu đã đứng về phía Nga trong việc chống lại chính sách của Mỹ dưới thời Donald Trump.
Trong khi đó, Thủ tướng Merkel cũng có động lực riêng để giúp Syria khôi phục sau cuộc nội chiến. Việc chấp nhận khoảng nửa triệu người Syria trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất ở châu Âu đang gây ra nhiều vấn đề, bao gồm cả gián tiếp làm cho phong trào cực hữu trỗi dậy và làm suy yếu quyền lực của nhà lãnh đạo này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trực tiếp đề nghị bà Merkel cung cấp nguồn lực tái thiết lại Syria trong cuộc gặp ở Berlin vào tháng 8. Ông Putin nhấn mạnh mối đe dọa về vấn đề người tị nạn có thể được giải quyết bằng chính người châu Âu.
Tuy nhiên, cả chính quyền của Thủ tướng Merkel lẫn phần còn lại của châu Âu đều không muốn ngồi chung thuyền với Nga ở Syria. Đối với Nga, điều này sẽ làm cho công cuộc tái thiết trở nên khó khăn.
Sự can thiệp quân sự của Moscow đã thành công trong việc bảo vệ chính quyền Assad, nhưng chi phí tái thiết sau chiến tranh được Liên Hợp Quốc ước tính là 250 tỷ USD và các cường quốc phương Tây đang từ chối lời đề nghị từ phía Nga trong việc đổi lấy một điều kiện còn chưa thỏa đáng.
"Tại sao họ không muốn giúp mọi người trở về Syria, ngay cả trong các khu vực được chính phủ lập nên?", Naumkin, người đứng đầu viện Nghiên cứu Phương Đông ở Moscow và là thành viên của Câu lạc bộ thảo luận Valdai cho biết. Ông kêu gọi các quốc gia châu Âu nên xây dựng lại nhà cửa, trường học, bệnh viện và đường sá.
Về phần mình các nhà lãnh đạo EU và Mỹ đổ lỗi cho chính quyền Assad gây nên cái chết của hàng trăm ngàn người trong chiến tranh và sự ổn định là không thể có nếu để ông điều hành đất nước.
Châu Âu sẽ có lợi khi giúp Syria tái thiết đất nước.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết tháng trước rằng đất nước của ông sẽ đóng góp tiền cho việc tái thiết nếu có một giải pháp chính trị mang đến một cuộc bầu cử tự do.
Còn trong lúc Tổng thống Assad vẫn nắm quyền, Đức được cho là sẽ "không mang đến một xu nào". Theo hai quan chức Đức quen thuộc về chính sách Syria, ông Assad được nhìn nhận ở Berlin như là một trở ngại chính cho quá trình như vậy.
Tương tự, Pháp cũng cho biết nước này sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Thổ Nhĩ Kỳ mà không đảm bảo rằng sẽ có tiến bộ hướng tới một sự chuyển đổi chính trị, theo một nhà ngoại giao cấp cao của Pháp.
Tổng thống Assad đã chiếm lại phần lớn đất nước bị kiểm soát dưới tay khủng bố và phe đối lập với sự giúp đỡ của Nga và Iran, và ông cho thấy rất ít khả năng sẽ rời bỏ chiếc ghế quyền lực theo yêu cầu của phương Tây.
Khu vực lớn nhất nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Assad là ở vùng đông bắc giàu dầu mỏ, nằm trong tay những chiến binh người Kurd được hỗ trợ bởi hơn 2.000 lính Mỹ. Điều này sẽ mang lại cho Tổng thống Trump đòn bẩy để đạt được mục tiêu đẩy lực lượng Iran ra khỏi Syria.
"Không có thỏa thuận nào có thể được chấp nhận trừ khi nó bao gồm cả người Mỹ. Tôi không nghĩ người châu Âu có thể hoặc thậm chí muốn đi theo con đường đó", Raghida Dergham, người đứng đầu viện Beirut, cho biết.
Ngược lại, lập trường của Nga từ trước đến nay vẫn nhất quán về việc loại bỏ chính quyền Assad sẽ chỉ khiến cho Syria sụp đổ và các cuộc đàm phán hòa bình ở Geneva có thể đạt được một tiến trình chuyển giao quyền lực dần dần.
"Không có ai thay thế", cố vấn Naumkin nhấn mạnh, nói về Tổng thống Assad - người được cho là sẽ giành chiến thắng một cách dễ dàng nếu một cuộc bầu cử tự do được tổ chức.
Đức thừa nhận Nga đã thành công trong việc khôi phục lại một trật tự nhất định ở Syria và thậm chí thừa nhận rằng toàn bộ hệ thống sẽ sụp đổ nếu không có chính quyền Tổng thống Assad nắm giữ quyền lực. Dẫu vậy, Berlin vẫn chưa sẵn sàng để thay đổi điều này chỉ vì sức ép đến từ Mỹ.
Vì điều này, một số chi phí tái thiết hiện tại mà Nga nhắm tới có thể đến từ các nguồn "phi phương Tây". Trung Quốc cho biết họ đã sẵn sàng tham gia và có những dấu hiệu về sự tái hợp tác giữa chính quyền Assad và một số quốc gia Ả Rập vùng Vịnh giàu có từng ủng hộ phe đối lập ở Syria.
Tuy nhiên, Naumkin nói rằng các nguồn năng lượng ở vùng đông bắc mà Mỹ chiếm đóng mới là nguồn thu chính của Syria. "Chính quyền Assad muốn tồn tại thì phải có dầu", ông nói.