Nga "điếng người" trước đòn quân sự bất ngờ của Anh ở vùng đất nhạy cảm

Kiệt Linh |

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson hôm qua (17/2) bất ngờ thông báo nước này sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự ở vùng Bắc Cực để chống lại các hoạt động cấp tập hiện nay của Nga trong khu vực.

"Dù không biết điều đó có giúp mài sắc các kỹ năng của chúng tôi trong các điều kiện thời tiết dưới 0 độ hay có giúp chúng tôi học hỏi từ các đồng minh lâu đời như Na-uy hoặc giám sát được các mối đe dọa từ tàu ngầm bằng những chiếc máy bay Poseidon hay không, chúng tôi sẽ luôn cảnh giác với những thách thức mới”, tờ The Telegraph dẫn lời Bộ trưởng Williamson cho biết.

Ông này nói thêm rằng, những chiếc máy bay tuần tra hàng hải Poseidon sẽ được sử dụng để kiềm chế các hoạt động của tàu ngầm Nga trong khu vực.

Những phát biểu trên được ông Williamson đưa ra trong chuyến thăm của ông này đến một căn cứ mới của Thủy quân Lục chiến Hoàng gia Anh ở khu vực Bardufoss, phía bắc Na-uy.

Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoàng gia Anh cũng sẽ triển khai hơn 1.000 binh sĩ đến Na-uy hàng năm trong giai đoạn kéo dài 10 năm cho mục đích huấn luyện theo một thỏa thuận được ký kết giữa hai nước, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Williamson tiết lộ.

9 chiếc máy bay P8 Poseidon sẽ được triển khai đến căn cứ Lossiemouth của Không quân Hoàng gia Anh ở Scotland vào năm 2020 để tiến hành các hoạt động trinh sát, do thám ở Bắc Đại Tây Dương và Bắc Cực.

Ông Williamson liên tục bày tỏ sự quan ngại về việc Nga tăng cường mạnh mẽ sự hiện diện quân sự của nước này ở Bắc Cực và đang tìm cách quân sự hóa khu vực. London trước đó cũng cho rằng, hoạt động đi lại ở Bắc Cực có thể bị hạn chế do những hành động của Moscow.

Hồi cuối tháng 9 năm 2018, Bộ trưởng Williamson đã tiết lộ Chiến lược Quốc phòng mới của Anh ở Bắc Cực, nói rằng mối đe dọa ở khu vực này đang gia tăng và cáo buộc Nga đang nỗ lực quân sự hóa khu vực.

Những phát biểu mới nhất nói trên của Bộ trưởng Quốc phòng Anh chắc chắn sẽ khiến Nga lo ngại bởi điều này đồng nghĩa với việc Moscow bị thách thức và đe dọa bởi một cường quốc quân sự lớn trong bối cảnh Nga đang tích cực tăng cường sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực để bảo vệ lợi ích của nước này ở khu vực.

Hồi tháng 1 đầu năm nay, Hải quân Mỹ cũng tiết lộ kế hoạch đưa tàu chiến đi qua vùng lãnh hải ở Bắc Cực để thách thức sự hiện diện của Nga.

Bắc Cực là một trong số ít những vùng đất trên Trái đất của chúng ta mà chưa một quốc gia nào chính thức có "sổ đỏ". Hiện tại, ít nhất 5 nước gồm Nga, Na Uy, Đan Mạch, Canada và Mỹ đều đưa ra những đòi hỏi chủ quyền đối với vùng Bắc Cực bởi đây là nơi chứa rất nhiều tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác, trong đó có dầu mỏ.

Cuộc tranh chấp trên trở nên căng thẳng khi các lớp băng tan chảy mở ra triển vọng về những tuyến đường hàng hải mới và khả năng khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú ở đây. Ngoài ra, các chuyên gia cho biết, một chuyến đi từ châu Âu đến châu Á đi qua Bắc Cực sẽ ngắn hơn đi qua kênh đào Panama khoảng 7.408km.

Nga đã chính thức đặt mục tiêu và đề ra kế hoạch triển khai lực lượng vũ trang để bảo vệ các lợi ích kinh tế và chính trị ở Bắc Cực trước năm 2020, trong đó có các đơn vị bảo vệ bờ biển, lính biên phòng cũng như các lực lượng quân đội khác.

Theo quân đội Nga, hai lữ đoàn Bắc Cực sẽ được triển khai ở vùng cực bắc của nước Nga trong vài năm tới. Nga cũng đang lên kế hoạch khôi phục hoạt động trở lại các sân bay từ kỷ nguyên Xô-viết ở Bắc Cực đồng thời thiết lập sự hiện diện hải quân thường trực dọc Đường Biển Bắc có tầm quan trọng chiến lược.

Nga tuyên bố, nước này cần tăng cường sự hiện diện hải quân ở Bắc Cực để bảo vệ các lợi ích kinh tế trong khu vực khỏi sự xâm lấn của các quốc gia NATO. Đây chính là chỉ thị của Tổng thống Vladimir Putin.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại