Australia đã đình chỉ tất cả các hoạt động không quân trên bầu trời Syria
Theo hãng tin Mỹ CNN, Australia đã đình chỉ tất cả các hoạt động không quân trên bầu trời Syria sau khi lực lượng Không quân Mỹ bắn hạ một máy bay chiến đấu của quân đội chính phủ Syria và một cảnh báo từ Nga rằng: Các vật thể bay của liên quân do Mỹ đứng đầu ở phía Tây sông Euphrates là đối tượng đưa vào tầm ngắm.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Ba (20/6), Bộ Quốc phòng Australia (ADF) cho biết: "Các hoạt động của lực lượng phòng vệ Australia tấn công vào Syria đã tạm thời chấm dứt, đây là một biện pháp phòng ngừa, để tránh những tổn thất đáng tiếc có thể xảy ra.
Các lực lượng ADF đang theo dõi chặt chẽ tình hình chiến sự tại Syria và việc quyết định nối lại các hoạt động của ADF ở Syria sẽ được thực hiện khi tình hình được cải thiện, ADF sẽ tiếp tục là một phần của liên quân".
Tuyên bố của Australia, một trong những đồng minh quan trọng trong liên quân chống IS ở Syria, được miêu tả như là một đòn đánh vào liên quân chống IS do Mỹ lãnh đạo; đặt nó vào một "vị trí rất khó khăn" trong một thời điểm nhạy cảm vì cuộc chiến giải phóng căn cứ Raqqa hiện nằm trong tay IS vẫn tiếp tục gay go, ác liệt.
Tiến sĩ Lina Khatib, một chuyên gia nghiên cứu về Trung Đông và Bắc Phi thuộc Chatham House, một tổ chức nghiên cứu về vấn đề quốc tế, nói: "Đây không phải là thời gian để liên quân lúng túng".
Tên lửa S-400 của Nga sẵn sàng chiến đấu ở Syria.
Mối nguy hiểm sau lời tuyên bố của Nga
Quyết định của Australia được đưa ra sau khi một máy bay chiến đấu của Hải quân Mỹ bắn rơi một máy bay chiến đấu Syria vào hôm chủ nhật (18/6). Mỹ cho biết, họ đã hành động để bảo vệ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn đang chiến đấu chống lại một nhóm phiến quân IS ở ngoại ô thành phố Raqqa ở phía đông bắc Syria.
Sự cố này (theo tuyên bố của Mỹ) là sự cố lần đầu tiên kể từ khi Mỹ bắt đầu chiến đấu với IS ở Syria vào năm 2014 - khiến Nga lên tiếng đe dọa máy bay liên quân bay ở phía tây sông Euphrates rằng họ "sẽ được coi là các mục tiêu đưa vào tầm ngắm".
Bộ Quốc phòng Nga đã gọi việc bắn hạ máy bay của chính phủ Syria là "một sự vi phạm trắng trợn về chủ quyền của Cộng hòa Ảrập Syria" và "sự xâm lược của quân đội nước ngoài đối với một đất nước có chủ quyền".
Kết quả là, Nga đã dừng sử dụng đường dây nóng được thiết lập để tránh xung đột giữa các lực lượng Mỹ và Nga ở Syria.
Tiến sĩ Khatib bình luận: "Australia đang lo lắng về việc tạm dừng đường dây nóng giữa Nga và Mỹ do việc bắn hạ máy bay chiến đấu Syria của quân đội Mỹ. Điều này có thể làm cho máy bay của Australia có nguy cơ va chạm cao với máy bay Nga"; "Đây là một nguy cơ mà tôi chắc chắn rằng các quốc gia khác tham gia vào liên quân quốc tế phải lo lắng.
Biện pháp bảo vệ của Australia về đình chỉ các hoạt động của nó có thể gây ra mối quan tâm rộng rãi hơn trong số những lực lượng khác tham gia trong chiến dịch này".
Ông Chatham House nhấn mạnh: "Vị thế quân sự Mỹ và liên quân sẽ trở nên yếu hơn và bất kỳ dấu hiệu thiếu thống nhất trong liên minh chống IS quốc tế chỉ có thể là tin tốt lành cho Nga và chế độ Syria".
Trong khi Australia tuyên bố tạm dừng những hoạt động không quân ở Syria thì Anh, một đồng minh quan trọng khác trong liên quân do Mỹ đứng đầu cho biết sẽ tiếp tục tham gia vào các hoạt động không quân mặc dù Nga cảnh báo.
Người phát ngôn của chính phủ Anh hôm thứ Ba cho biết: "Các hoạt động của lực lượng không quân Anh ở Syria vẫn sẽ tiếp tục, mặc dù có những mâu thuẫn giữa Nga và Mỹ; chúng tôi kêu gọi Nga hủy bỏ các biện pháp này".
Hiện nay Mỹ đang tích cực hỗ trợ SDF, một liên minh của phiến quân Syria, khi họ đang tiến đánh vào Raqqa và được hỗ trợ bởi các cuộc không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu.
Trong khi đó, quân đội chính phủ Syria và các đồng minh của họ cũng đang khép vòng vây tại Raqqa. Tuần trước quân đội Syria đã tiến sát tới các khu vực do SDF kiểm soát, khiến các vụ đụng độ giữa quân đội chính phủ Syria và các liên minh đối nghịch gần như không thể tránh khỏi.
Trong lúc tình hình hình Syria đang căng thẳng, quân đội Iran hôm Chủ nhật cho biết họ đã phóng một số tên lửa đạn đạo tầm trung vào Đông Syria. Mục tiêu nhằm vào các chiến binh IS để trả đũa cho các cuộc tấn công kép khủng bố vào Iran ngày 7/6 vừa qua làm 13 người thiệt mạng và 43 người khác bị thương.
Cuộc tấn công này là lần đầu tiên Iran đã bắn tên lửa vào mục tiêu ở một nước khác sau gần 30 năm; việc tiến công của Iran đánh dấu vai trò can dự lớn hơn của Iran trong cuộc chiến tại Syria.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Ba, Trung tâm Soufan, một công ty an ninh và tình báo chuyên theo dõi cuộc xung đột, nói: "Số lượng các hoạt động quân sự đối nghịch và căng thẳng leo thang ở Syria làm cho khả năng đụng độ xảy ra nhiều hơn bao giờ hết, với những hậu quả khó lường".