Nga nhử Ukraine tung Patriot?
Theo Business Insider, cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn gần đây của Nga vào Ukraine đã gây ra sự tàn phá trên diện rộng nhưng ẩn sâu trong đó là một mục tiêu rất cụ thể.
Theo các chuyên gia, Nga có thể đang nhử Ukraine bắn hết nguồn đạn dược quý giá đến từ hệ thống phòng không Patriot.
Chỉ cần hệ thống Patriot không còn khả năng tạo nên lá chắn phòng không, các cuộc tấn công của Nga sẽ có thể mang đến hiệu quả lớn hơn. Thời điểm này đặc biệt thích hợp, vì các phê chuẩn viện trợ gần đây có thể sẽ hạn chế khả năng Ukraine có thêm tên lửa cho Patriot.
Tiến sĩ Jade McGlynn, nhà nghiên cứu chính trị Nga tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng việc làm cạn kiệt Patriot và các kho tên lửa khác "rõ ràng là một phần" chiến lược của Nga. Yaroslav Trofimov, trưởng phóng viên phụ trách đối ngoại của The Wall Street Journal cũng đồng tình với quan điểm này.
Ông cho biết Nga đang tìm cách tiêu hao kho tên lửa Patriot của Ukraine với hy vọng sau đó có thể phá hủy cả hệ thống. Trofimov nhận định một loại tên lửa đất đối không khác là NASAMS cũng là mục tiêu.
Ukraine đã nhận được 5 khẩu đội tên lửa Patriot từ Mỹ, Đức và Hà Lan. Đây là hệ thống có thể theo dõi 100 mục tiêu từ khoảng cách 100km và được cho là đã khắc chế nhiều tên lửa của Nga - trong đó có cả loại vốn được cho là bất khả chiến bại - cũng như nhiều máy bay khác.
Ukraine cho biết vào tháng 12 rằng họ sắp nhận thêm hệ thống Patriot từ các nước phương Tây, trong đó có một hệ thống từ Đức. Tuy nhiên, phía Mỹ được cho là không thể cung cấp thêm viện trợ nếu không có sự chấp thuận của Quốc hội.
Các đảng viên đảng Cộng hòa ở Thượng viện đã chặn yêu cầu của Tổng thống Joe Biden về việc cấp thêm tài trợ, nói rằng họ sẽ chỉ chấp thuận nếu vấn đề ở biên giới phía nam nước Mỹ được đáp ứng trước.
Chuyên gia McGlynn nói rằng diễn biến tại Quốc hội Mỹ giải thích tại sao Nga phải đợi đến cuối tháng 12 mới bắt đầu các đợt tấn công lớn.
Bà nói: "Không rõ tại sao Nga lại chờ đợi các cuộc tấn công cơ sở hạ tầng này quá lâu so với năm ngoái", đồng thời lưu ý rằng vào năm 2022, các cuộc tấn công bắt đầu vào khoảng tháng 10.
Tuy nhiên, Keir Giles, nhà phân tích người Nga tại tổ chức nghiên cứu Chatham House, tỏ ra hoài nghi về mục tiêu này.
Ông nói rằng Nga có thể đang thực hiện chiến dịch tên lửa theo khung thời gian riêng của mình và biết "sẽ có một lượng cung cấp hạn chế từ nước ngoài, bất kể điều gì xảy ra dù có hay không có việc Mỹ ngừng viện trợ".
Tuy nhiên, ông cho rằng việc thiếu sự hỗ trợ đảm bảo của Mỹ khiến tình hình trở nên khó khăn hơn nhiều đối với Ukraine, buộc họ phải đưa ra những quyết định khó khăn về thời điểm sử dụng hệ thống phòng thủ.
Vì sao Nga kiêng dè Patriot?
Hệ thống tên lửa Patriot từ lâu đã trở thành món hàng hấp dẫn đối với Mỹ và các đồng minh trong vai trò là một lá chắn vững chãi chống lại các tên lửa lao tới.
Mỗi khẩu đội Patriot bao gồm một hệ thống phóng gắn trên xe tải với 8 bệ phóng, mỗi bệ có thể chứa tối đa 4 tên lửa đánh chặn, một radar mặt đất, một trạm điều khiển và một máy phát điện.
Tom Karako, Giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ cho biết, hệ thống Patriot "là một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa được vận hành rộng rãi, đáng tin cậy và đã chứng minh hiệu quả tốt nhất hiện nay".
Chính vì có hiệu quả lớn, đạn dược cho Patriot cũng rất đắt đỏ. Theo báo cáo của CSIS, tên lửa đánh chặn dành cho hệ thống Patriot có giá khoảng 4 triệu USD. Với mức giá đó, việc sử dụng Patriot để bắn hạ các máy bay không người lái giá rẻ là không hợp lý về mặt chi phí.
Hồi giữa năm 2023, hệ thống này đã lần đầu tiên hạ gục tên lửa siêu vượt âm Kinzhal Kh-47, một trong những vũ khí tiên tiến nhất của Nga.
Radar của Patriot đã phát hiện có sáu tên lửa Kinzhal ở khoảng cách 200km. Máy tính của hệ thống đã theo dõi mục tiêu và phóng các tên lửa đánh chặn, phá hủy tất cả chúng. Tên lửa cuối cùng bị khắc chế chỉ cách khoảng 15km, vài giây trước khi va chạm.
Đại tá Serhiy Yaremenko, chỉ huy Lữ đoàn tên lửa phòng không số 96, lực lượng bảo vệ Kyiv, cho biết: "Không ai chắc chắn 100% rằng Patriot có khả năng tiêu diệt tên lửa siêu vượt âm Kh-47. Nhưng người Ukraine đã chứng minh điều đó".
40 năm sau khi được đưa vào sử dụng, hệ thống phòng không Patriot cuối cùng đã chứng tỏ hiệu quả như mong đợi và trở thành vũ khí không thể thiếu để bảo vệ bộ binh, thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.
Giới lãnh đạo quân sự Ukraine đã ca ngợi đây là hệ thống duy nhất có khả năng giải quyết mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của Nga, điều mà Moscow từng tự tin là không thể ngăn chặn.
Kết hợp Patriot với các hệ thống phòng không khác của phương Tây cũng như các loại vũ khí thời Liên Xô, Ukraine hiện đang chống lại hầu hết các mối đe dọa trên không, từ tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình cho đến máy bay không người lái.
"Chúng tôi rất ngạc nhiên về hiệu quả của nó", giám đốc điều hành Raytheon Technologies, ông Greg Hayes cho biết. Cùng với các hệ thống phòng không khác, Patriot đã ngăn chặn tới 90% các mối đe dọa ở Ukraine.
Hayes tiết lộ Ukraine đã điều chỉnh phần mềm của Patriot để cho phép hệ thống theo dõi và tiêu diệt tên lửa siêu vượt âm bay nhanh gấp đôi so với thiết kế. Đây chính là yếu tố mà các quốc gia khác đang muốn học hỏi từ Ukraine.