Nga đã bứt phá như thế nào trong cuộc đua UAV giữa các cường quốc?

Đức Trí |

Hiện nay, Nga là một cường quốc về chế tạo UAV có phần vượt trội so với Mỹ, nhưng ít ai biết rằng công nghệ UAV của Nga có tuổi đời hết sức non trẻ.

“Thần chết” MQ-9 là một trong những “tượng đài” UAV thế giới. Nguồn: people.com.cn.

“Thần chết” MQ-9 là một trong những “tượng đài” UAV thế giới. Nguồn: people.com.cn.

Với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, tác chiến nhóm máy bay không người lái (UAV) ngày nay đã trở thành một phương thức chiến đấu quan trọng trong chiến tranh hiện đại, được nhiều quốc gia sử dụng trong trinh sát quân sự, hỗ trợ hỏa lực và các hoạt động chiến đấu thực tế khác.

Trong lĩnh vực tác chiến UAV, Mỹ có kinh nghiệm phong phú, và các UAV như Global Hawk và MQ-9 Reaper của Mỹ được coi như là những “tượng đài” trong “làng UAV” thế giới. Đầu thế kỷ 21, các nước đã phát triển mạnh mẽ UAV loại lớn và trung, thời gian hành trình dài. Với tư cách là một cường quốc quân sự, Nga đã âm thầm bắt đầu nhiều thử nghiệm khác nhau.

Bộ Quốc phòng Nga đặc biệt chú ý đến sự phát triển của các UAV trong nước. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã nhiều lần yêu cầu các tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và phát triển máy bay không người lái.

Khi S-70 Okhotnik (Thợ săn) của Nga được đưa vào thực chiến, Nga cũng đã phát triển một loại đạn dược dẫn đường chính xác mới "Grom", được sử dụng đặc biệt cho các UAV tấn công thế hệ mới. Trên thực tế, con đường nghiên cứu và phát triển UAV của Nga vô cùng gập ghềnh.

Trong một thời gian dài sau Chiến tranh Lạnh, việc nghiên cứu và phát triển công nghệ UAV của Nga luôn dựa vào các công nghệ cũ. Công nghệ UAV của Liên Xô từng dẫn đầu thế giới, nhưng khuyết điểm của nó là động cơ hoạt động kém, thời gian bay trên không của UAV ngắn, gây khó khăn cho nhiệm vụ giám sát chiến trường trong điều kiện tác chiến cục bộ hiện đại.

Sau khi Liên Xô tan rã, mặc dù Nga đã sử dụng UAV trong một số cuộc chiến tranh cục bộ nhưng nước này không nhìn thấy tiềm năng chiến đấu của UAV. Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, khi các nước phát triển mạnh mẽ các loại UAV cỡ lớn và tầm trung, tầm xa, thời gian hoạt động lâu dài thì Nga vẫn "án binh bất động". Tình trạng này kéo dài cho đến khi cuộc nội chiến Syria bùng nổ.

Nội chiến Syria đã chứng minh cho Nga thấy rõ lợi thế chiến đấu của UAV, nhưng tại thời điểm này, công nghệ UAV của Nga đã tụt hậu so với thời đại. Trong lúc “tuyệt vọng”, Nga đã phải mua sắm trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu của quân đội.

Điển hình như, Hải quân Nga đã mua giấy phép sản xuất máy bay trực thăng không người lái AirS-100 từ Áo; Không quân Nga mua 10 UAV Searcher từ Israel và chỉ có thể được quyền sản xuất UAV này sau khi được sự đồng ý của Mỹ; Quân đội Nga mua 30 UAV cỡ nhỏ BirdEye từ Israel để trang bị cho các lực lượng.

Thông qua phương thức mua sắm, Nga đã nhanh chóng trang bị hàng loạt mẫu drone, nhưng những mẫu drone này đều là drone chiến thuật nhỏ và nhẹ, không có loại drone giám sát và chiến đấu cỡ lớn và chúng không được coi là thiết bị chiến lược. Các mẫu UAV tàng hình thì lại càng khó khăn hơn và Nga chỉ có thể tự nghiên cứu phát triển.

Nga đã bứt phá như thế nào trong cuộc đua UAV giữa các cường quốc? - Ảnh 2.

MiG SKAT đã từng là UAV được Nga kỳ vọng là sẽ thách thức X-47B của Mỹ. Nguồn: people.com.cn.

Đầu thế kỷ 21, Phòng thiết kế Mikoyan của Nga đã nhận thức sâu sắc về “kỷ nguyên chiến đấu của UAV”, và đã cho ra đời một loại UAV MiG SKAT, với thiết kế dạng cánh dài.

Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là, do nền kinh tế Nga lúc đó vẫn chưa phục hồi, và quân đội Nga thì ngân sách eo hẹp, nên MiG SKAT đã không thể “bay lượn trên bầu trời”, cuối cùng thì dự án này đã thất bại.

Cục thiết kế Sukhoi bắt đầu muộn trong lĩnh vực UAV, nhưng nhờ doanh số bán hàng khổng lồ của một số máy bay chiến đấu như Su-27/30/35 trên thị trường quốc tế, nên Sukhoi đã có những khoản đầu tư khổng lồ cho sự phát triển của UAV.

Do đó, Sukhoi đã nhanh chóng cho ra đời UAV tàng hình S-70 Okhotnik B, trong khi đó MiG SKAT vẫn còn là “mô hình bằng gỗ”.

S-70 Okhotnik B là UAV hạng nặng tàng hình đầu tiên của Nga, chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát, được trang bị cảm biến hồng ngoại quang điện và hệ thống tác chiến điện tử nên có khả năng tấn công mặt đất nhất định. Chế tạo thành công loại UAV này đã mở ra một kỷ nguyên mới cho công nghệ chế tạo UAV của Nga.

Cho đến nay, công nghệ UAV của Nga có thể nói là “đi sau” Trung Quốc và Mỹ nhưng đã nhanh chóng vượt trội hai nước này. Mới đây nhất, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đang tập trung xem xét các nền tảng tiềm năng để phát triển một UAV hạng nặng hoặc hạng trung, được trang bị các phương tiện tìm kiếm và vũ khí có khả năng tiêu diệt tàu ngầm.

UAV này có khả năng kết nối với mạng lưới các hệ thống tác chiến khác và có thể được phóng từ các sân bay trên mặt đất hay từ các tàu mặt nước, được sử dụng cho cả mục đích do thám và tấn công

Trước đó, có thông tin nói, phiên bản hải quân của UAV Altius mà Nga đang phát triển sẽ được đưa vào trang bị cho Hải quân Nga, có thể sử dụng đồng thời hai mục đích trinh sát và tấn công. Vũ khí chính của phiên bản tấn công sẽ là tên lửa hành trình chống hạm, có thể là Kh-35.

Altius là máy bay không người lái hạng nặng tầm xa, bắt đầu phát triển từ cuối năm 2011. Mẫu đầu tiên có tên Altair ra mắt vào năm 2014 và bay lần đầu vào năm 2016, trong khi nguyên mẫu thứ hai, Altius-M, ra mắt năm 2017 và thứ ba, Altius-U, thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2019. UAV Altius dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2021.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại