Ngày 7.12, bà Mạnh đã có phiên điều trần đầu tiên tại Canada, khi các công tố viên Mỹ cáo buộc bà vi phạm lệnh trừng phạt chống Iran của Mỹ.
Nếu bị kết án, bà Mạnh có thể phải đối mặt với án tù lên tới 30 năm, và nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ. Vụ bắt giữ bà Mạnh hiện làm náo loạn thị trường chứng khoán toàn cầu, dấy lên nghi ngờ rằng Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước.
Một công tố viên của chính phủ Canada kêu gọi tòa án không chấp nhận cho bà Mạnh Vãn Châu được bảo lãnh dù theo luật sư của bà là David Martin thì việc bác bỏ quyền bảo lãnh của bà Mạnh là không hợp lý. Ông Martin còn cho rằng bà Mạnh sẽ không trốn khỏi Canada nếu được bảo lãnh vì sự liêm chính cá nhân của bà cũng như bà không muốn làm mất mặt cha mình.
Theo đài Al-Jazeera, bà Mạnh bị bắt theo cáo buộc của Mỹ rằng Huawei đã dùng một công ty bình phong có trụ sở tại Hồng Kông để làm ăn với Iran, trái với lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tại phiên điều trần đầu tiên, công tố viên khẳng định bà Mạnh từng cam kết với các ngân hàng Mỹ rằng không có bất kỳ kết nối trực tiếp nào giữa Huawei và SkyCom, trong khi thực tế "SkyCom là Huawei".
SkyCom công ty có trụ sở tại Hồng Kông được cho là đã thực hiện các giao dịch vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ với Iran trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến 2014.
Công tố viên yêu cầu không cho bà Mạnh tại ngoại với lý do là bà có quan hệ rộng, nhiều tiền nên có thể chạy trốn khỏi Canada để tránh bị dẫn độ sang Mỹ.