Vào ngày 21/9, tờ Izvestia đưa tin Splav Holding, một công ty quốc phòng của Nga đã thực hiện thử nghiệm một loại đạn mới cho pháo phản lực TOS-1A, có tầm bắn xa hơn gấp đôi so với các loại đạn trước đây.
Pháo phản lực TOS-1A của Nga trong một cuộc diễn tập quân sự
Một nguồn tin của Bộ Quốc phòng Nga giả thích với Izvestia rằng việc giảm bớt trọng lượng và kích cỡ của loại đạn mới cho phép nó “không những có tầm bắn xa hơn mà còn cho phép đầu đạn nhiệt áp có sức công phá lớn hơn”. Hiện tại, tầm bắn thông thường của các pháo TOS-1A là 6 km. Loại đạn mới sẽ cho phép pháo có tầm xa 10 km.
Trong những năm gần đây, pháo phản lực TOS-1A được nhiều quốc gia chú ý sau khi được sử dụng rất hiệu quả bởi quân đội Iraq và Syria nhằm tiêu diệt các công sự, xe bọc thép và binh lính của các tổ chức khủng bố.
Nhà sử học quân sự Alexei Khlopotov cho biết: “Mặc dù được gọi là một hệ thống pháo, thực tế TOS-1 là một loại xe tăng chiến đấu hoạt động cùng với lực lượng bộ binh”. TOS-1A sử dụng các loại đạn nhiệt áp, cho phép giải phóng một lượng nhiệt năng lớn khi bắn trúng mục tiêu, khiến lửa bùng lên trên diện rộng.
Ông Khlopotov nói thêm: “Trong bối cảnh chiến tranh hiện đại, việc các loại vũ khí chống tăng giờ đây có tầm bắn xa hơn trước sẽ khiến TOS-1A gặp nguy hiểm trên chiến trường. Vì vậy, chúng không còn được bố trí ở vị trí tiên phong trên nữa”.
“Cần phải biết rằng tại Syria, nhiều phần tử có vũ trang thường xuyên sử dụng tên lửa chống tăng Kornet, có tầm bắn tối đa là 5 km, sánh ngang với pháo phản lực TOS-1A”, nhà sử học người Nga nói thêm. Với loại đạn mới, TOS-1A có thể tấn công các mục tiêu ở ngoài tầm bắn của các loại vũ khí chống tăng.
Dù vậy, việc chế tạo loại đạn mới không có nghĩa là loại đạn hiện tại không còn được sử dụng. Nhà phân tích quân sự Nga Viktor Murakhovsky cho biết, việc nâng tầm bắn của đạn pháo TOS-1A cũng đồng nghĩa với việc khoảng cách tối thiểu để có thể tấn công các mục tiêu tầm gần tăng lên.
Với loại đạn mới, TOS-1A không được phép bắn vào mục tiêu ở khoảng cách dưới 1,6 km, trong khi loại đạn cũ cho phép pháo có thể tấn công đối phương cách pháo tối thiểu 400 m. Điều này có nghĩa là loại đạn cũ vẫn sẽ được sử dụng trong những địa hình chiến trường chật hẹp.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.