Phương pháp cũ thử nghiệm hạt nhân
Khi Able - quả bom nguyên tử thứ tư của thế giới - được thả xuống Bikini ngày 1/7/1946, năm chiếc tàu bị chìm, nhiều chiếc khác bị hư hại. Sau đó, Mỹ đã ngừng thử nghiệm hạt nhân trong khí quyển vào năm 1958 và ký hiệp ước cấm thử nghiệm với Liên Xô vào năm 1963.
Kể từ đó, Mỹ đã tiến hành tất cả các thử nghiệm vũ khí hạt nhân dưới lòng đất theo các điều khoản của Hiệp ước Cấm Thử nghiệm có Giới hạn (Limited Test Ban Treaty).
Ở Mỹ, các phương pháp khác nhau đã được áp dụng để vụ thử nghiệm hạt nhân diễn ra một cách an toàn. Phương pháp phổ biến nhất là đặt thiết bị hạt nhân thử nghiệm ở dưới đáy của lỗ khoan thẳng đứng; một phương pháp khác là đặt thiết bị thử nghiệm trong một đường hầm được khoan theo chiều ngang đến một vị trí đủ sâu để đảm bảo an toàn.
Việc kiểm định điều kiện an toàn diễn ra với sự tham gia của nhiều thành phần về nhân sự, rất nghiêm ngặt và phức tạp về quy trình và thủ tục.
Thử nghiệm theo phương pháp sử dụng lỗ khoan thẳng đứng gồm bảy bước riêng lẻ: Lựa chọn địa điểm thử nghiệm và khoan; Thiết kế và xây dựng cơ sở thử nghiệm; Vận chuyển và lắp ráp thiết bị; Lắp ráp thiết bị dự báo, quan sát; Chuẩn bị thử nghiệm; Tiến hành thử nghiệm; Các hoạt động hậu thử nghiệm. Nói chung, rất công phu và tốn kém cả về sức người và tiền của.
Tại khu vực thử nghiệm tuyệt mật ở Nevada, các thử nghiệm trong các lỗ khoan thẳng đứng áp dụng cho các thiết bị có công suất nhỏ - trong các lỗ tương đối nông ở khu vực bằng phẳng Yucca (Khu vực 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10); và với các thiết bị có công suất cao hơn - ở các lỗ sâu hơn tại Pahute Mesa (Khu vực 18, 19 và 20).
Cấm thử nghiệm hạt nhân có giới hạn
Hiệp ước Cấm thử vũ khí hạt nhân trong khí quyển, ngoài vũ trụ và dưới nước ký năm 1963 nghiêm cấm tất cả các vụ nổ thử vũ khí hạt nhân, trừ những vụ nổ được tiến hành dưới lòng đất. Bất chấp Hiệp ước cấm thử hạt nhân, hai nước Mỹ và Nga đã tìm ra cách thử vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình.
Theo Viktor Murakhovsky - Tổng biên tập Tạp chí “Arsenal Otechestva” (Nga), các vụ nổ hạt nhân và thử nghiệm vũ khí hạt nhân diễn tại khu thử nghiệm hạt nhân ở Nevada (Mỹ) và quần đảo Novaya Zemlya (Nga), bằng cách đặt mô hình bom hạt nhân vào một thùng chứa đặc biệt, sau đó được phủ bằng bentonite (đất sét).
Cửa vào đường hầm sau đó được bịt bằng bê tông; tiếp theo, các nhà khoa học di chuyển đến một khoảng cách an toàn, và kích nổ.
Mô hình là một khối nổ hạt nhân thực có công suất rất bé, khoảng 0,001% năng lượng của một đầu đạn hạt nhân được gắn trên tên lửa. Vụ nổ thực được thực hiện để kiểm tra sự tiến triển của các phản ứng dây chuyền trong khối nổ. Tất cả dữ liệu được ghi lại bởi một máy tính, và ngày nay, người ta không phải cần đến “nấm nguyên tử” để kiểm định đầu đạn chưa được thử nghiệm.
Các vụ nổ hạt nhân được thực hiện theo các phương thức khác nhau; Nguồn: topwar.ru
Các thùng chứa mới đang được tạo ra cho các đầu đạn, cho phép thử nghiệm dưới mức tới hạn để không gây rủi ro cho môi trường hoặc con người gần nơi thử nghiệm.
Và nếu một vết nứt xuất hiện dọc theo bề mặt của container, vật liệu bentonite bị kích thích bởi phản ứng tạo nhiệt do vụ nổ tạo ra, tạo những lỗ trong khối nổ. Vì đó là một khối nổ công suất thấp, vụ nổ thực sự không gây tiếng ồn và không thể được ghi lại bởi thiết bị ghi xung âm.
Phương pháp mới mô phỏng các vụ nổ nguyên tử công suất lớn
Mới đây, trong chương trình "Thanh tra Quân sự", phát trên kênh truyền hình "Ngôi sao", Vladimir Chipko - Viện trưởng Viện Nghiên cứu-Khoa học Trung ương (центральный научно-исследовательский институт - ЦНИИ) số 12 của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga - đã nói về việc tạo ra một thiết bị để mô phỏng vụ nổ nguyên tử có công suất vài megatons.
Theo ông Vladimir Chipko, một đường ống chung đặc biệt được trang bị đồng thời các cùng các khối chất nổ để tạo sóng xung kích mạnh và các khối hỗn hợp hỏa thuật để tạo bức xạ ánh sáng, nhằm mô phỏng các tác nhân vụ nổ hạt nhân.
Một tính năng của đặc biệt của thiết bị thử nghiệm mới là tính toán công suất của vụ nổ hạt nhân. Các thiết bị hiện đại thuộc loại này được thiết kế để mô phỏng vụ nổ của đầu đạn hạt nhân có công suất vài kiloton. Với thiết bị mới, công suất thực sự có thể mô phỏng tăng lên hàng ngàn lần.
Các đường ống thử nghiệm mới có chiều dài khoảng 450m, đường kính 12m giúp đánh giá ảnh hưởng của vụ nổ hạt nhân có công suất nhất định đối với thiết bị, xe máy quân sự, con người, tòa nhà và công trình. Phân tích dữ liệu thu được cho phép phát triển các hệ thống bảo vệ đáng tin cậy, điều chỉnh cách tiếp cận và quan điểm và hướng dẫn phòng chống vũ khí hạt nhân./.