Căng thẳng về vấn đề Ukraine đã đẩy quan hệ của Moscow với phương Tây xuống mức thấp nhất kể từ khi Liên Xô tan rã cách đây 30 năm. (Ảnh: AP)
Theo đó, kể từ khi Nga bắt đầu chuyển quân tới biên giới với Ukraine, “bóng đen của một cuộc xung đột tiềm tàng” đã bắt đầu bao trùm khắp Đông Âu. Nhưng ngoài một cuộc chiến đầy rủi ro và tốn kém, Tổng thống Putin có thể “muốn chơi những quân bài khác”.
Sau cuộc chiến với Gruzia năm 2008 và sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, nhiều chuyên gia lo ngại về một “cuộc tấn công quy mô lớn của Nga nhằm vào Ukraine là điều dễ hiểu”.
“Thật khó để đoán chính xác Tổng thống Putin đang định làm gì, nhưng ông ấy có những công cụ khác ngoài một cuộc tấn công quân sự”, Jyllands-Posten viết.
Nga có lợi thế trên bàn đàm phánVề lâu dài chi phí cho một cuộc xung đột quy lớn có thể rất tốn kém với Điện Kremlin, vì vậy mới đây Nga đã công bố một danh sách dài các yêu cầu an ninh đối với phương Tây để “làm dịu” căng thẳng.
Các hoạt động quân sự của Nga gần biên giới Ukraine vào mùa xuân đã tạo tiền đề cho cuộc gặp giữa Tổng thống Biden-Putin tại Geneva vào tháng 6 và những lo ngại gần đây về quân đội Nga đã dẫn đến một cuộc hội đàm trực tuyến giữa hai bên vào đầu tháng này.
Chuyên gia Andrey Kortunov, Tổng Giám đốc Hội đồng Các vấn đề Quốc tế của Nga viết trên tờ Global: “Kết luận là mục tiêu hành động của Nga không phải là sự chuẩn bị trực tiếp cho một chiến dịch quân sự do ông Putin quy định, mà là một tín hiệu chính trị được hỗ trợ bởi sự thể hiện sức mạnh quân sự ấn tượng của Moscow”.
“Nga đã đưa ra một số yêu cầu khó khăn, nhưng có lẽ chỉ cần ít hơn. Có thể cho rằng những yêu cầu này của Moscow đối với phương Tây và Ukraine không phải là ‘lằn ranh đỏ’”, ông Kortunov giải thích.
Mới đây, Nga đã đưa ra một số đề xuất chính sách an ninh lớn khiến nhiều nhà quan sát phương Tây vô cùng phẫn nộ. Ông Michael Kofman, một nhà quan sát người Mỹ giàu kinh nghiệm viết: “Những yêu cầu của Nga trong những tuần gần đây là bi quan về động lực của tình hình”.
Nga hợp nhất ở Donbass
Ở miền đông Ukraine, vào năm 2014 Nga được cho là đã “dựng lên” hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR), trên thực tế là các quốc gia bù nhìn xung quanh các thành phố lớn Donetsk và Luhansk.
Theo Jyllands-Posten, Moscow đã sử dụng chiến thuật này từ những năm 1990 để hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp cho quân nổi dậy. Mấu chốt là Nga hỗ trợ và cung cấp vũ khí cũng như nhiều nguồn cung cấp khác nhau cho hai nước cộng hòa tự xung này mà không được bất kỳ quốc gia nào công nhận.
Nếu tình hình không tiến triển, Moscow có thể khiến leo thang ở đây cả về quân sự và ngoại giao.
Ông Sergei Markov, nhà phân tích chính trị người Nga nhận định: “Nếu không có gì xảy ra trong khi đàm phán, tôi nghĩ rằng Nga sẽ công nhận DPR và LPR dưới hình thức này hay hình thức khác vào tháng Giêng sắp tới”.
Chiến lược kiềm chế Ukraine
Một cuộc tấn công quân sự có thể được thiết kế để kiềm chế Ukraine và củng cố vị trí chiến lược của Nga ở quốc gia láng giềng.
Các binh sĩ Nga có thể cùng với lực lượng của hai nước cộng hòa tự xưng tiến hành một cuộc tấn công nhằm khuất phục toàn bộ Donbass, bao gồm cả thành phố cảng chiến lược Mariupol trên Biển Azov.
Mỹ cùng các đồng minh châu Âu cảnh báo Nga sẽ trả giá đắt nếu phiêu lưu quân sự tại Ukraine. (Ảnh: RIA)
"Có nhiều khả năng về một nỗ lực sẽ được thực hiện nhân danh phe ly khai để mở rộng quyền kiểm soát đối với một số khu vực phía đông và phía nam khác của Ukraine với quy mô mà chi phí sẽ thấp hơn, nhưng đồng thời vẫn có thể làm tăng sức nặng của Nga trong mối quan hệ với Ukraine và các đồng minh phương Tây", ông Sarajan tin tưởng.
"Sự can thiệp quân sự trong trường hợp này rất có thể sẽ ít tham vọng hơn nhiều so với mục tiêu ‘khôi phục sự thống trị của Nga’ ở miền đông Ukraine vì nó rất đắt đỏ", chuyên gia Simon Sarajan thuộc Trung tâm Khoa học và Quan hệ Quốc tế Benfer của trường Đại học Harvard nói về một kịch bản giả định với Ukraine.
Cuộc chiến "chớp nhoáng" vào Kiev
Bất ngờ tấn công từ nhiều hướng, quân đội Nga bao vây một phần đáng kể lực lượng Ukraine, phần còn lại bị đẩy lùi về sông Dnepr. Chiến dịch kết thúc với việc chiếm được thủ đô Kiev và thành lập một nhà nước Ukraine mới với trọng tâm là lãnh thổ phía đông sông Dnepr.
Theo Giám đốc Chương trình của Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga (RIAC) Ivan Timofeev, đây là một kịch bản giả định về cuộc chiến chớp nhoáng của Nga với Ukraine.
"Nga đang giải quyết một số vấn đề lịch sử cùng một lúc. Mối đe dọa trước mắt đối với các biên giới phía Tây Nam đang được loại bỏ. Đảm bảo toàn quyền kiểm soát Biển Azov và hành lang đất liền tới Crimea. Hai quốc gia có tên Ukraine xuất hiện trên bản đồ thế giới, một trong số đó là "thân thiện và huynh đệ", ông Timofeev cho biết.
Tuy nhiên, ông Timofeev lưu ý, không có lợi ích nào trong trường hợp này là đáng giá so với những rủi ro liên quan. "Chi phí của một cuộc chiến tranh có thể xảy ra lớn hơn nhiều so với lợi ích", ông Timofeev nhấn mạnh.