Máy bay mang tên lửa chiến lược Tu-160 được 4 chiếc tiêm kích Su-35S hộ tống tham gia diễu binh kỷ niệm 76 năm chiến thắng phát xít. Ảnh minh họa: Trần Hiếu/PV TTXVN tại Nga
Thông báo của bộ trên nêu rõ: "Nhiều thập kỷ thực hiện hiệu quả hiệp ước cho thấy thỏa thuận này là công cụ củng cố niềm tin và an ninh, tạo thêm cơ hội để đánh giá khách quan và không thiên vị về tiềm năng quân sự và các hoạt động quân sự của các nước tham gia".
Theo Bộ Ngoại giao Nga, trong thời gian tham gia Hiệp ước Bầu trời Mở, Nga đã thực hiện 646 chuyến bay và cho phép thực hiện 449 chuyến bay trên lãnh thổ của nước này, trong tổng số 1.580 chuyến bay đã được thực hiện trong khuôn khổ thỏa thuận.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho rằng Mỹ khởi xướng sự sụp đổ của Hiệp ước Bầu trời Mở và phải chịu mọi trách nhiệm về sự đổ vỡ thương lượng.
Hiệp ước Bầu trời Mở được ký kết năm 1992 và có hiệu lực từ năm 2002, theo đó cho phép 35 quốc gia thành viên, trong đó có Nga và Mỹ, thực hiện các chuyến bay giám sát trong không phận của nhau, công khai thu thập thông tin về các lực lượng và hoạt động quân sự của nhau theo các hạn ngạch bay đã được thống nhất từ trước.
Hiệp ước được xem là một trong những biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Âu sau Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, Nga và Mỹ thường xuyên cáo buộc nhau vi phạm hiệp ước.
Tháng 5/2020, Mỹ đã khởi động tiến trình rút khỏi hiệp ước và đã hoàn tất ngày 22/11/2020. Tháng 1/2021, Nga cũng thông báo khởi động các thủ tục trong nước để rút khỏi hiệp ước.
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng sau khi Nga và Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở, hiệu quả của hiệp ước này sẽ giảm mạnh, theo đó phạm vi quan sát sẽ thu hẹp khoảng 80% và số nhiệm vụ được lên kế hoạch cho năm 2022 cũng sẽ giảm đáng kể.