Cuối tháng 12/2023, Nhà Trắng xác nhận hoạt động chuyển giao tên lửa Patriot của chính quyền Nhật Bản cho Mỹ. Quan chức nước này cho rằng việc chuyển giao tên lửa Patriot sẽ góp phần tăng cường an ninh và hòa bình của Nhật Bản ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Đại sứ Nhật Bản tại Nga Akira Muto sau đó cho hay, tên lửa Patriot đã được chuyển từ Nhật Bản sang Mỹ, nhưng không được sử dụng ở Ukraine.
"Hồi tháng 12/2023, chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đạt được sự nới lỏng về xuất khẩu thiết bị quân sự. Chúng tôi đã trực tiếp cảnh báo người Nhật thông qua Đại sứ quán Nhật Bản tại Moskva và không nghi ngờ gì về người hưởng lợi cuối cùng từ quyết định đó", Quyền Giám đốc Vụ châu Á của Bộ Ngoại giao Nga Sergey Zhestkii cho hay.
Vị này cho biết, "sự hỗ trợ này nhằm tiếp tục tăng cường vũ khí cho Ukraine, nhưng sẽ bị coi là đồng lõa của Tokyo khi tiếp tay cho hành động của Kiev".
Cuối năm 2023, Nga cũng từng cảnh báo hoạt động xuất khẩu vũ khí sát thương từ Nhật sang Mỹ sẽ để lại những hệ quả tiêu cực với an ninh khu vực và thế giới, cho rằng quyết định thay đổi chính sách bán khí tài quân sự của Tokyo "chủ yếu nhằm phục vụ lợi ích của Washington".
"Có khả năng tên lửa Patriot mà Nhật Bản bán cho Mỹ sẽ được chuyển đến Ukraine như nhiều loại vũ khí khác. Việc tên lửa Nhật Bản rơi vào tay quân đội Ukraine sẽ bị coi là hành động thù địch rõ ràng nhằm vào Nga, dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng nhất đối với quan hệ song phương Moskva - Tokyo", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói hôm 27/12/2023.
Nga xem Nhật Bản cùng Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Australia là quốc gia "thù địch". Tokyo cũng có quan hệ phức tạp với Moskva trước chiến sự Ukraine và hai bên chưa ký hiệp ước hòa bình sau Thế chiến II do tranh chấp quần đảo Kuril, khu vực Nhật Bản gọi là lãnh thổ phương Bắc - hiện do Nga kiểm soát.