Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin
Một đối tác quan trọng của Mỹ ở Tây Bắc châu Phi được cho là đang hướng về phía Nga trong bối cảnh tư lệnh hàng đầu của Mỹ tại lục địa này cảnh báo rằng người Nga đang cố "tiếp quản" toàn bộ khu vực Sahel của châu Phi.
Mối quan hệ Niger và Mỹ
Niger - quốc gia đóng vai trò là chỗ đứng quan trọng cho các hoạt động chống khủng bố của Mỹ trong khu vực suốt gần 1 thập kỷ - cuối tuần trước tuyên bố rằng, họ sẽ chấm dứt hiệp định cho phép quân nhân và nhân viên dân sự Mỹ hoạt động tại nước này từ năm 2014.
Theo nguồn tin từ CNN, thông báo được đưa ra vài ngày sau cuộc họp căng thẳng giữa chính quyền quân sự Niger - lực lượng nắm quyền trong cuộc đảo chính tháng 7/2023, cùng các quan chức ngoại giao và quân sự Mỹ bao gồm Tướng Michael Langley - Chỉ huy Bộ Tư lệnh Châu Phi của Hoa Kỳ và Celeste Wallander - Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng cho các vấn đề an ninh quốc tế.
Các quan chức cho biết, trong cuộc họp này, phái đoàn Mỹ bày tỏ lo ngại về sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Nga ở Niger và đặc biệt là về tương lai của Căn cứ Không quân 101 ở thủ đô nước này, dấy lên câu hỏi về việc liệu nó có được nhượng lại cho Nga hay không.
Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh hôm 18/3 xác nhận rằng phái đoàn Mỹ "bày tỏ lo ngại về mối quan hệ tiềm tàng của Niger với Nga", cũng như với Iran. Một nguồn tin quân sự đánh giá, với sự hiện diện ngày càng gia tăng ở Niger, Nga đã thiết lập được một chỗ đứng khác ở khu vực Sahel mà phương Tây đang mất dần ảnh hưởng.
Tướng Langley, chỉ huy AFRICOM, nói với các nhà lập pháp trong tháng này rằng cả Nga và Trung Quốc "đều muốn có mảnh đất này. Họ muốn có năng lực phô diễn sức mạnh... Nhưng tôi nghĩ với tốc độ ngày càng nhanh, Liên bang Nga đang thực sự cố gắng có được Trung Phi, cũng như Sahel".
Vẫn chưa rõ liệu chính quyền quân sự ở Niger có thực sự buộc quân đội Mỹ rời khỏi đất nước - nơi lực lượng Mỹ đã tiến hành các hoạt động chống khủng bố và huấn luyện quân đội Niger kể từ năm 2014 hay không.
Các quan chức cho biết, nếu Mỹ buộc phải rút quân, các nỗ lực chống khủng bố trên toàn khu vực có thể bị ảnh hưởng. Các chuyến bay không người lái của Mỹ xuất phát từ căn cứ không quân ở Agadez, Niger, đã mang lại cho Mỹ khả năng giám sát các mối đe dọa ở khu vực Sahel từ một vị trí tương đối gần và ổn định, đặc biệt là khi các tổ chức khủng bố bạo lực đang thực hiện ngày càng nhiều vụ tấn công ở nước láng giềng Mali và Burkina Faso.
Các quan chức cũng lo ngại rằng việc rút khoảng 650 lính Mỹ đồn trú ở Niger có thể để lại khoảng trống mà phiến quân Hồi giáo và lính đánh thuê sẽ cố gắng khai thác.
Động thái từ phía Nga
Nga được cho là đã để mắt đến Niger khi mối quan hệ Mỹ-Niger xấu đi. Vào tháng 12, Điện Kremlin đã mở lại đại sứ quán của mình ở nước láng giềng Burkina Faso, đặt vị trí gần thủ đô của Niger hơn, đồng thời tăng cường nỗ lực hợp tác với chính quyền quân sự Niger, một quan chức tình báo cấp cao nói với CNN.
Quan chức này cho biết, một phần hấp dẫn đối với Niger là Nga có thể đề nghị bán vũ khí và thiết bị mà không có điều kiện tương tự như Mỹ. Đổi lại, Nga có thể thu lợi từ tài nguyên thiên nhiên trong khu vực - bao gồm cả các mỏ vàng ở Niger.
Phát ngôn viên quân đội Niger, Abdramane cho biết hôm 16/3 rằng Nga "là đối tác mà Niger giao dịch trên cơ sở cấp nhà nước, theo các thỏa thuận hợp tác quân sự đã ký với chính phủ trước đó, để mua các thiết bị quân sự cần thiết cho cuộc chiến chống lại lực lượng nổi dậy của Niger”.
CNN cho biết, mối quan hệ Mỹ-Niger đã xuống dốc nhanh chóng. Các hoạt động của Mỹ ở nước này đòi hỏi sự giám sát và phê duyệt chặt chẽ hơn trong khi sự hiện diện của Nga ở khu vực này ngày càng rõ ràng.