Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: Reuters
Ông Medvedev nói với trang tin Argumenty i Fakty: "Đối với chúng tôi, Crimea là một phần của Nga. Và điều đó là mãi mãi. Mọi nỗ lực xâm phạm Crimea đều là lời tuyên chiến chống lại đất nước chúng tôi. Và nếu điều này được thực hiện bởi một quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ( NATO ), sẽ dẫn đến cuộc xung đột với toàn bộ liên minh Bắc Đại Tây Dương. Một thảm họa hoàn toàn".
Ông Medvedev cũng nói rằng nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Nga sẽ củng cố biên giới của mình và sẽ "sẵn sàng cho các biện pháp trả đũa".
Điều đó có thể bao gồm lắp đặt tên lửa siêu thanh Iskander có khả năng mang vũ khí hạt nhân ở ngay "ngưỡng cửa" của Thụy Điển, Phần Lan khi hai nước gia nhập NATO.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 27-6, ông Medvedev khẳng định: "Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO không phải mối đe dọa mới với chúng tôi. Các nước này từng có quan hệ tương đối tốt đẹp với Nga, nhưng tranh chấp lãnh thổ và bất đồng với họ đã được dự báo trước. Chúng tôi đã sẵn sàng cho những bước đi đáp trả".
Về phía NATO, Tổng thư ký Jens Stoltenberg ngày 27-6 cho biết khối quân sự này sẽ tăng lực lượng phản ứng nhanh lên 300.000 người, cao hơn bảy lần so với số quân hiện tại, trước mối đe dọa từ Nga.
Theo đó, các nước thành viên NATO sẽ mở rộng một số đội hình chiến đấu dọc sườn phía Đông của khối từ cấp tiểu đoàn hoặc trung đoàn lên cấp lữ đoàn với 3.000-5.000 quân.
NATO trước đây có lực lượng phản ứng nhanh khoảng 40.000 quân. Quyết định nâng quân số lên 300.000 cho phép liên minh có thể điều động nhân lực lớn hơn trong trường hợp khẩn cấp.
Đồng thời triển khai thêm vũ khí hạng nặng, trong đó có các tổ hợp phòng không, bảo vệ một số nước thành viên ở sườn phía Đông NATO.
Xe tăng của Thụy Điển và Phần Lan tham gia cuộc tập trận Cold Response 2022, với các nước thành viên NATO ở Na Uy ngày 22-3. Ảnh: Reuters
Ông Stoltenberg cho biết: "Đây là đợt đại tu năng lực phòng thủ và răn đe tập thể lớn nhất của chúng tôi từ sau Chiến tranh Lạnh. Nga đã rời bỏ quan hệ đối tác và đối thoại mà NATO đã cố gắng thiết lập với họ trong nhiều năm. Họ đã chọn đối đầu thay vì đối thoại. Chúng tôi lấy làm tiếc về điều đó, nhưng tất nhiên, sau đó chúng tôi cần phải có động thái để đối mặt thực tế đó".
NATO đang triển khai 8 nhóm tác chiến ở các quốc gia thành viên ở phía Đông. Đức cho biết họ sẽ dẫn đầu một lữ đoàn mới ở Lithuania. Tuy nhiên, hầu hết binh sĩ thuộc đơn vị này sẽ đóng quân trong nước.
Một quan chức NATO cho biết hệ thống mới sẽ được áp dụng trong năm 2023 và "cải thiện khả năng phản ứng trong thời gian rất ngắn của liên minh trước bất cứ tình huống nào xảy ra" với các tài sản trên bộ, trên biển, trên không lẫn trên không gian mạng.
Trong khi đó, NBC News dẫn lời một số quan chức Mỹ ngày 27-6 cho biết Tổng thống Joe Biden có kế hoạch thông báo về sự gia tăng hiện diện của quân đội nước này ở Ba Lan và thay đổi việc triển khai quân ở một số quốc gia vùng Baltic.
Các quan chức cho biết con số quân đội Mỹ hiện diện tại Ba Lan sẽ ở mức tối thiểu, nhưng vài trăm binh sĩ có thể ở lại Ba Lan lâu dài.