Đột ngột thay thế
Hãng thông tấn Sputnik dẫn lời chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky cho biết, Nga đang phát triển phiên bản mới của cường kích Su-34 được trang bị hệ thống đối kháng điện tử siêu hiện đại chưa từng được biết đến trước đây.
Chuyên gia Murakhovsky tiết lộ rằng, hệ thống tác chiến điện tử thế hệ mới có tên Tarantul đủ khả năng bảo vệ hiệu quả các máy bay tấn công khác khỏi radar của quân địch.
Theo vị chuyên gia này, hiện Su-34 đang được trang bị hệ thống tác chiến điện tử Khibiny - sản phẩm của Tập đoàn Công nghệ Vô tuyến – Điện tử (KRET). Hệ thống này được lắp trên đầu cánh máy bay, nhằm giúp nó tiến hành hoạt động đối kháng điện tử nhằm vào radar, các hệ thống tên lửa phòng không hay máy bay cảnh báo sớm.
Dù Khibiny làm việc khá hiệu quả nhưng hệ thống này chỉ bảo vệ được máy bay nào được trang bị, trong khi đó Tarantul sẽ bảo vệ cho cả nhóm máy bay chiến đấu gần đó. Mặc dù hé lộ về hệ thống tối tân này nhưng ông Murakhovsky vẫn bảo mật mọi thông tin về chúng.
Su-34 sẽ được thay thế hệ thống tác chiến điện tử hiện đại hơn
Su-27 tàng hình
Không chỉ có Su-34 có thể tàng hình với hệ thống Tarantul, theo giới thiệu của Không quân Nga, một khi máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không (AWACS) Beriev A-100 đi vào hoạt động, những chiến đấu cơ từ Su-27 đến Su-35 đều có thể trở thành máy bay tàng hình.
Để thực có thể khiến những chiến đấu cơ thế hệ 4 có thể "tàng hình" trước radar đối phương, máy bay A-100 sử dụng radar mảng pha chủ động APAR do liên hiệp sản xuất khoa học kỹ thuật Vega sản xuất.
Radar APAR có thể phát hiện máy bay của kẻ thù từ khoảng cách không tưởng là 600 km, với tàu chiến là 400 km. Như vậy, AWCS A-100 sẽ giúp Nga phát hiện sớm các mối đe dọa từ máy bay tàng hình hay tên lửa hành trình của đối phương
Khả năng đặc biệt của A-100 còn khiến những máy bay thế hệ 4 của Nga như Su-27, Su-30, Su-35 hay Su-34 hoặc MiG-29/35 có thể tàng hình trước radar địch bằng phương pháp chế áp điện tử.
Ngoài ra, theo giới thiệu của Không quân Nga, máy bay A-100 còn được thiết kế để mang các thiết bị liên lạc tình báo tiên tiến cho việc hoạt động độc lập cũng như khả năng bảo vệ trước hệ thống tác chiến điện tử của đối phương.
Được biết, A-100 sử dụng khung thân loại máy bay vận tải tầm trung Il-476. Đây là một phiên bản cải tiến sâu của máy bay vận tải Il-76 với việc sử dụng động cơ MD-90A có lực đẩy mạnh hơn và tiêu thụ ít nhiên liệu hơn giúp máy bay có tầm bay và sức chở lớn hơn.
Hiện Nga là một trong 4 nước trên thế giới gồm Mỹ, Anh, Trung Quốc có đủ năng lực chế tạo máy bay cảnh báo sớm tầm xa. Những máy bay A-100 sẽ thay thế người tiền nhiệm A-50 vốn có từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Hiện nay không quân Nga đang sử dụng tới 26 chiếc A-50 thuộc phiên bản nâng cấp A-50U. Phạm vi phát hiện các mục tiêu trên không như máy bay ném bom, máy bay chiến đấu siêu âm, trực thăng, tên lửa hành trình... của A-50U đã được nâng lên một tầm cao mới so với A-50M. Phiên bản mới chính thức biên chế cho không quân Nga vào tháng 2/2012.
Máy bay A-50 có thể phát hiện máy bay ném bom ở khoảng cách 650 km, chiến đấu cơ cách xa 300 km và mục tiêu dưới mặt đất/mặt biển là 300 km (với các tàu chiến cỡ lớn nó có thể theo dõi ở cự ly đến 400 km), tên lửa hành trình ở khoảng cách 215 km và có thể theo dõi đồng thời tới 300 mục tiêu khác nhau.
Trong nhiệm vụ chỉ huy trên không, A-50 có thể chỉ huy tác chiến tới 10 máy bay chiến đấu gồm nhiều loại khác nhau. Thiết bị vô tuyến điện và thiết bị tác chiến điện tử của máy bay có khả năng trinh sát, phát hiện và chế áp điện tử rất mạnh, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ tác chiến trong trường hợp địch gây nhiễu điện từ mạnh.