"Về cơ bản hợp đồng liên quan tới FGFA đã hoàn tất. Mọi việc đang diễn ra đúng kế hoạch. Giai đoạn đàm phán đầu tiên đã kết thúc và chúng tôi đang thảo luận về các vấn đề còn lại. Theo quan điểm của tôi, hợp đồng sẽ được ký sớm do các tài liệu và văn bản liên quan đều đã được hai bên thông qua", lãnh đạo Rostec, ông Sergey Chemezov cho biết.
Nga và Ấn Độ hợp tác phát triển chương trình FGFA trên cơ sở chương trình máy bay thế hệ thứ 5 PAK FA của Nga theo thỏa thuận hợp tác ký hồi năm 2007.
Tới tháng 1/2015, Nga và Ấn Độ đã ký thỏa thuận nguyên tắc về thiết kế cơ bản của máy bay FGFA. Sau đó một tháng, Công ty quốc doanh Nga Rosoboronexport cho biết, thiết kế cơ bản của FGFA đã hoàn tất và bắt đầu đàm phán về hợp đồng thương mại với phía Ấn Độ.
Hình ảnh sơ bộ của máy bay chiến đấu thế hệ 5 FGFA
Tham gia vào quá trình phát triển FGFA là hãng chế tạo Nga Sukhoi và đối tác Ấn Độ Hindustan Aeronautics Limited. Mức độ tham gia vào dự án FGFA của Ấn Độ được xác định khoảng 40%.
Theo một số thông tin, máy bay FGFA sẽ mang tên lửa Astra do Ấn Độ tự phát triển và tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos, sản phẩm vũ khí hợp tác với Nga. Tổng chi phí của chương trình FGFA ước khoảng 35 tỷ USD và Quân đội Ấn Độ dự kiến mua tới 154 máy bay FGFA trong tương lai.
Tuy nhiên, quá trình đàm phán hợp đồng chính thức liên quan tới FGFA bị kéo dài do nhiều lý do khác nhau liên quan tới mức độ chuyển giao công nghệ của Nga và vấn đề tự chủ công nghệ của Ấn Độ.
Tới năm 2016, Nga và Ấn Độ đã giải quyết được các bất đồng liên quan tới chi phí phát triển chương trình FGFA nhờ việc Ấn Độ tăng số lượng máy bay đặt mua lên 250 đơn vị. Nếu số lượng đặt mua dòng máy bay thế hệ 5 này tăng hoặc giảm, chi phí phát triển FGFA có thể tiếp tục thay đổi.
Giới chuyên gia quân sự đánh giá, chi phí phát triển FGFA giảm là sự ưu đãi của phía Nga dành cho Ấn Độ liên quan tới "một số sự chậm trễ" của dự án.
Cụ thể, Nga chưa sẵn sàng cung cấp một số công nghệ lõi của máy bay thế hệ 5 cho Ấn Độ; động cơ đề xuất lắp đặt trên FGFA là phiên bản đầu tiên của động cơ phản lực AL-41F1 và chi phí phát triển cao ngoài dự kiến của chương trình.
Hiện các thông tin về đặc tính kỹ-chiến thuật của máy bay chiến đấu FGFA chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên, theo một số thông tin sơ bộ, dòng máy bay thế hệ 5 này sẽ có chiều dài 22,6 m; chiều cao 5,9 m; trọng lượng cất cánh tối đa đạt 34 tấn.
Nhờ được gắn thêm lực đẩy vectơ ở phần động cơ, cho phép tiêm kích này đạt tốc độ bay 2.300 km/h và tầm bay 3.800 km.