Khó lựa chọn
“Tôi muốn cảm ơn Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quốc gia khác, bao gồm cả các nước châu Âu, đã treo cờ Israel trên các tòa nhà chính phủ thể hiện tình đoàn kết”, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói hôm 15/5.
“Và tôi cảm ơn Tổng thống Mỹ Joe Biden vì sự ủng hộ rõ ràng và dứt khoát của ông ấy”.
Ông Netanyahu đã không cảm ơn một trong những người bạn quen thuộc của mình là Tổng thống Nga Vladimir Putin. Điều này cũng không ngạc nhiên nếu so sánh việc nhà lãnh đạo Nga ít thể hiện tình đoàn kết hơn với cả Israel và Palestine kể từ khi xung đột bùng phát hơn một tuần trước.
Lần cuối ông Putin đối thoại với ông Netanyahu là vào ngày 7/5, trước khi xung đột leo thang ở Gaza nhưng sau vài tuần bất ổn xảy ra ở Đông Jerusalem.
Trong cuộc trò chuyện, ông Putin thậm chí không đề cập đến xung đột Palestine-Israel. Thay vào đó, ông tìm kiếm điểm chung về cách nhìn nhận của hai nước về Thế chiến II.
Ông cũng thảo luận về quan hệ kinh tế và thương mại song phương, bên cạnh tình hình ở Syria.
Gần một tuần trôi qua kể từ thời điểm Hamas bắt đầu tập kích vào các thành phố của Israel từ Dải Gaza và Israel tiến hành các cuộc trả đũa vào lãnh thổ Palestine, Tổng thống Putin ới có bài phát biểu trước các thành viên thường trực của Hội đồng An ninh Nga.
"Tôi muốn nghe về tình hình ở Trung Đông", ông nói, "cụ thể là về sự trầm trọng của cuộc xung đột Palestine-Israel, đang diễn ra gần biên giới và trực tiếp liên quan đến an ninh của chúng ta”.
Nhiều người Israel đã rất ngạc nhiên khi nghe về định nghĩa biên giới mở rộng của Nga, nhưng ông Putin được cho là đang muốn ám chỉ đến tình hình bạo lực đang lan rộng tới Syria, nơi có sự hiện hiện của Nga.
Nga muốn hồi sinh nhóm "Bộ tứ" để giải quyết khủng hoảng Israel-Palestine.
Nếu Hezbollah và các nhóm Shiite thân Iran khác quyết định mở mặt trận thứ hai với Israel từ Lebanon và Syria, và nếu Israel đáp trả bằng các cuộc tấn công lớn nhằm vào các nước này, điều đó sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho vị thế của Nga, chưa kể đe dọa đến nhân viên quân sự của Nga trong khu vực.
Rõ ràng, Moscow không muốn phải lựa chọn giữa hai đối tác.
Nga làm gì tiếp theo?
Trong suốt một tuần chiến đấu ác liệt, Tổng thống Putin chưa có động thái liên hệ trực tiếp nào với các nhà lãnh đạo của Israel và Palestine. Trong khi Tổng thống Joe Biden, người kiềm chế không nhúng tay vào cuộc xung đột, đã nói chuyện với cả hai nhà lãnh đạo Trung Đông.
Moscow được cho là không vội vàng, khi nhận ra các cuộc thảo luận như vậy là vô ích, đặc biệt khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas không phải là một bên trong cuộc xung đột, bởi Hamas mới là bên mở cuộc chiến ở Dải Gaza.
Nhưng sự vắng mặt của các liên hệ cấp cao không có nghĩa là Nga không hành động. Trên thực tế, Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuần trước đã điện đàm với những người đồng cấp ở Jordan và Ai Cập, hai quốc gia có khả năng ảnh hưởng nhất đến tình hình lúc này.
Cairo đã và vẫn là nhà đàm phán chính cho quá trình ngừng bắn giữa Israel và Hamas, nhưng các nỗ lực cho đến nay đã không thành công.
Nga hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực của Cairo và sẵn sàng hành động như một trung gian trong khu vực. Nga có quan điểm trung lập rõ ràng về cuộc xung đột Palestine-Israel, đồng thời nhấn mạnh giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột.
Nga cho rằng việc thiếu một quá trình đàm phán trực tiếp là nguyên nhân chính dẫn đến sự leo thang hiện nay.
Trên thực tế, Moscow tập trung vào việc hồi sinh một cơ chế giải quyết xung đột đã bị lãng quên từ lâu, cái gọi là “bộ tứ” hòa giải Trung Đông: Nga và Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên Hợp Quốc.
Nga cũng ủng hộ các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Palestine và Israel.
Điện Kremlin tiếp tục đưa ra nền tảng riêng cho các cuộc đàm phán như vậy, và mặc dù biết lời đề nghị của mình sẽ không được chấp nhận, nhưng vẫn tiếp tục khẳng định rằng không có giải pháp thay thế nào cho tiến trình hòa bình.
Nga và EU đã bắt đầu nỗ lực hồi sinh "bộ tứ" sau sự thay đổi chính quyền ở Washington. Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Washington đã phớt lờ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các cơ chế dàn xếp tập thể liên quan đến Trung Đông và các nơi khác.
Bản thân các nước Ả Rập cũng ủng hộ lập trường này. Chính vì vậy, Nga sẽ làm mọi thứ có thể để giúp đỡ. Trên thực tế, Nga là nhà hòa giải - không phải Ả Rập -duy nhất duy trì liên lạc với Hamas, một lợi thế khi so sánh với các thành viên khác của "bộ tứ".