Nếu xung đột với Trung Quốc, tiêm kích có giá "cắt cổ" từ Pháp cũng không giúp nổi Ấn Độ?

Vy Lam |

Ấn Độ đã trả 242 triệu USD cho mỗi chiếc Rafale, biến nó trở thành mẫu chiến đấu cơ đắt đỏ nhất thế giới, ngang với những thiết kế hạng nặng và tinh vi hơn nhiều đến từ Nga và Mỹ.

Mức giá "cắt cổ"

Sau nhiều cuộc đụng độ biên giới với Pakistan vào năm 2019 và với lực lượng Trung Quốc gần đây tại thung lũng Galwan, nhiều quan chức và chuyên gia phân tích quân sự Ấn Độ đã đề cập tới Rafale như một nhân tố đảm bảo kết quả có lợi cho Ấn Độ trong các cuộc xung đột tương lai.

Rafale là tiêm kích thế hệ 4+ do Pháp chế tạo và thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1986, Không quân Ấn Độ đang có kế hoạch đưa 36 máy bay loại này vào biên chế năm 2025.

Rafale được đặc biệt đánh giá cao vì có yêu cầu bảo dưỡng và chi phí vận hành tương đối thấp, dù khả năng tương thích của nó với các tên lửa Meteor và SCALP, cùng hệ thống điện tử tiên tiến cũng là những điểm rất hấp dẫn.

Tuy nhiên, theo tạp chí MW, bất chấp những sức mạnh này, khả năng Rafale có thể mang lại lợi thế đáng kể cho Ấn Độ trước Trung Quốc vẫn còn vô cùng hạn chế, vì một số lý do nhất định.

Nếu xung đột với Trung Quốc, tiêm kích có giá cắt cổ từ Pháp cũng không giúp nổi Ấn Độ? - Ảnh 1.

Tiêm kích hạng trung Rafale khi đặt cạnh các tiêm kích hạng nặng Su-30MKI. Ảnh: MW

Hợp đồng đặt mua 36 tiêm kích Rafale của Ấn Độ có giá trị lên tới 7,8 tỷ euro (8,721 tỷ USD), dẫn tới những cáo buộc tham nhũng lan rộng trong chính phủ Ấn Độ, và làm dấy lên nhiều câu hỏi nghiêm trọng trong giới phân tích thế giới về hiệu quả chi phí mà chương trình mua sắm này mang lại.

Theo hợp đồng, Ấn Độ đã trả 242 triệu USD cho mỗi chiếc Rafale, biến nó trở thành mẫu chiến đấu cơ đắt đỏ nhất trên thế giới, ngang với những thiết kế hạng nặng hơn và tinh vi hơn nhiều đến từ Nga và Mỹ.

Mức giá này phần lớn được cho là kết quả của việc ngành quốc phòng Pháp nói chung và lĩnh vực hàng không quân sự của nước này nói riêng, đã đạt hiệu suất rất thấp trong thời gian qua, khiến Rafale có chi phí cao hơn 50% so với tiêm kích F-35A và 41% so với tiêm kích F-15QA của Mỹ (theo giá xuất khẩu).

Trong khi F-15QA vượt trội Rafale ở nhiều khía cạnh thì F-35A đại diện cho thiết kế tiêm kích thế hệ 5 hiện đại với khả năng tàng hình vượt trội, cảm biến và hệ thống điện tử tiên tiến. Đặc biệt, nó sẽ tiếp tục được nâng cấp và tích hợp các hệ thống phụ mới trong ít nhất 4 thập kỷ nữa.

Tương tự, khoảng cách về hiệu quả chi phí giữa Rafale với các mẫu chiến đấu cơ của Nga – như tiêm kích-bom Su-34 và tiêm kích thế hệ 5 Su-57 – cũng rất lớn.

Mức giá "cắt cổ" của Rafale đồng nghĩa nếu Không quân Ấn Độ đầu tư mua số lượng lớn máy bay loại này thì mỗi phi đoàn Rafale sẽ "ngốn" của họ một phần lớn ngân sách quốc phòng, trong khi mang lại những khả năng không mấy nổi bật.

Nếu xung đột với Trung Quốc, tiêm kích có giá cắt cổ từ Pháp cũng không giúp nổi Ấn Độ? - Ảnh 2.

Từ trái sang: Các tiêm kích J-16, J-10C và J-20 của Trung Quốc. Ảnh: MW

Sự chênh lệch này đặc biệt nổi rõ khi so sánh Rafale với các thiết kế tiên tiến từ Trung Quốc như J-10C, J-16 và J-20.

Do các nhà sản xuất quốc phòng thường thu được lợi nhuận thấp hơn nhiều khi bán cho lực lượng vũ trang trong nước (có thể thấy ở Mỹ, Pháp…) nên Không quân Trung Quốc sẽ trả mức chi phí thấp hơn đáng kể để trang bị những chiếc máy bay trên, trong khi chúng lại có hạng nặng hơn và tinh vi hơn Rafale.

Điều này, kết hợp với hiệu quả lớn hơn nhiều của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc so với Pháp, sẽ khiến Ấn Độ khó lòng trang trải nếu muốn mua các tiêm kích Rafale để duy trì vẻ bên ngoài như thể cán cân sức mạnh đang nghiêng về mình.

Đắt nhưng không xắt ra miếng

Xét tới năng lực tác chiến thì việc so sánh Rafale với các thiết kế mới nhất của Trung Quốc biểu thị sự vượt trội trong ngân sách nghiên cứu-phát triển, cũng như quy mô-hiệu quả của ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc so với Pháp.

Mặc dù Không quân Trung Quốc được cho là có thể mua các tiêm kích J-20 với mức giá chỉ bằng 1/3 giá Ấn Độ nhập khẩu Rafale, nhưng sự khác biệt về năng lực đang mang lại lợi thế cho Trung Quốc, chưa kể đến việc hai mẫu máy bay này hoàn toàn khác biệt về thế hệ.

J-16, dù rẻ hơn J-20 của Trung Quốc và thuộc cùng thế hệ với Rafale, nhưng vẫn chỉ có giá bằng 1/5 mức Ấn Độ nhập khẩu Rafale. Trong khi Rafale có tốc độ tối đa Mach 1.8 thì J-16 có thể di chuyển nhanh hơn 40%, với tốc độ trên Mach 2.2.

Rafale có trần bay thấp, khoảng 15km, điều đó mang lại cho J-16 lợi thế đáng kể khi nó có thể hoạt động ở độ cao 20km. Động cơ M88 của Rafale có lực đẩy thấp (75kN), trong khi động cơ WS-10B của Trung Quốc có lực đẩy 145-150kN.

Bên cạnh đó, Rafale còn có phạm vi hoạt động rất hạn chế khi mang đầy đủ vũ khí. Mặc dù các biến thể mới nhất của Rafale tích hợp radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) nhưng những radar này có kích cỡ nhỏ hơn nhiều so với loại trang bị trên J-16 nên làm hạn chế đáng kể khả năng nhận thức tình huống của phi công.

Nếu xung đột với Trung Quốc, tiêm kích có giá cắt cổ từ Pháp cũng không giúp nổi Ấn Độ? - Ảnh 3.

Tên lửa PL-15. Ảnh: MW

Mặc dù cả hai loại máy bay đều triển khai tên lửa không-đối-không với tầm bắn ngang ngửa (tên lửa Meteor của Rafale và PL-15 của J-16) nhưng tên lửa Trung Quốc được dẫn đường bằng radar AESA, thay vì radar thụ động, khiến nó khó bị gây nhiễu hơn và có độ đáng tin cậy cao hơn.

Lợi thế đáng chú ý nhất của Rafale là nó có lượng tiêu thụ nhiên liệu thấp và tiết diện phản xạ radar nhỏ hơn nhiều so với đối thủ. Song, J-16 đã bù đắp lại khiếm khuyết này bằng lớp phủ hấp thụ sóng radar tiên tiến – đây là điều mà Rafale không có.

Từ những phân tích trên, tạp chí MW kết luận rằng, nếu Ấn Độ đang tìm cách xây dựng một phi đoàn tiêm kích hiện đại đủ khả năng thách thức Trung Quốc [quốc gia hiện đang triển khai lực lượng máy bay chiến đấu thế hệ 5 lớn thứ hai thế giới], và mở rộng, cũng như hiện đại hóa nhanh chóng thì Rafale sẽ mang lại hiệu quả cực kỳ nghèo nàn so với mức đầu tư mà New Delhi phải bỏ ra.

Xét tới những trục trặc về chất lượng của các tiêm kích do Pháp chế tạo (như trường hợp của phi đoàn Mirage 2000 Đài Loan) thì vấn đề đối với Ấn Độ nghiêm trọng hơn nhiều. Rafale, khi xuất khẩu sang Ấn Độ, không chỉ có giá đắt hơn gấp vài lần thiết kế tiên tiến nhất của Trung Quốc, mà còn chưa thể so sánh với chúng về năng lực.

MW cho rằng, Ấn Độ có thể tìm đến các lựa chọn khả thi hơn như MiG-35 hoặc Su-57 của Nga, chúng có giá chỉ bằng một phần nhỏ so với Rafale nhưng lại mạnh hơn nhiều. Bên cạnh đó, New Delhi có thể tiếp tục nâng cấp không đoàn Su-30MKI hiện tại với radar AESA, động cơ AL-41 và các hệ thống tác chiến điện tử mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại