Sosna là hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn tiên tiến, được dùng để tiêu diệt mục tiêu bay ở cự ly tối đa 10 km và độ cao lên đến 5.000 m. Tổ hợp này được trang bị đạn tên lửa đánh chặn Sosna-R dẫn đường theo cơ chế bám chùm laser có tốc độ tối đa lên đến 900 m/s và thời gian phản ứng rất nhanh trước các mối đe dọa.
Toàn bộ các thành phần của hệ thống như trạm trinh sát quang điện tử và 12 ống phóng kiêm bảo quản dành cho tên lửa đều được đặt trên khung gầm xe thiết giáp bánh xích MT-LB độ cơ động cao và còn có khả năng lội nước. Ngoài ra, nhà sản xuất còn cung cấp tùy chọn lắp đặt module chiến đấu lên phương tiện chuyên chở bánh xích khác hoặc lắp cố định trên mặt đất.
Mặc dù trông giống như một tổ hợp phòng không lục quân được thiết kế để bảo vệ đội hình tiến quân của các sư đoàn cơ giới nhưng thật bất ngờ khi nó lại đảm nhiệm vai trò phòng không tầm gần, bảo vệ các công trình trọng điểm, nói cách khác đây là hệ thống tên lửa dành cho lực lượng phòng không trực thuộc Không quân - Vũ trụ.
Hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Sosna
Ngoài việc trang bị cho Quân đội Nga, vũ khí này còn được kỳ vọng sẽ có tiềm năng xuất khẩu cao nhằm thay thế các tổ hợp Strela-10 (SA-13 Gopher) sản xuất từ thời Liên Xô đang có mặt trong biên chế của nhiều lực lượng vũ trang trên thế giới. Đặt cạnh Strela-10 thì rõ ràng Sosna ưu việt hơn hẳn từ tầm bắn, thời gian phản ứng cho tới cơ số đạn mang theo.
Điểm độc đáo nữa của hệ thống phòng không này là nó sử dụng đạn Sosna-R, loại cũng được lắp đặt trên module tên lửa - pháo phòng không Palma của tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9. Chính vì vậy mà Việt Nam theo đánh giá có thể là một ứng viên tiềm năng sẽ mua hệ thống vũ khí này trong tương lai.
Hệ thống tên lửa phòng không Strela-10 của Việt Nam bắn đạn thật. Ảnh: QĐND.
Tuy nhiên có lẽ thực tế lại không được như mong muốn của các nhà xuất khẩu vũ khí Nga, nếu trong tay lực lượng phòng không Việt Nam có một hệ thống tên lửa phòng thủ điểm cực kỳ lợi hại khác đó chính là SPYDER-SR.
So sánh với Sosna, trong khi tổ hợp phòng không Nga chỉ được trang bị hệ thống trinh sát TV đi kèm camera ảnh nhiệt, thiết bị chiếu chùm tia laser để dẫn hướng cho tên lửa thì ở SPYDER là sự kết hợp hài hòa giữa radar trinh sát chỉ thị mục tiêu EL/M-2106 cùng với trạm trinh sát quang điện tử tích hợp, 2 kênh dẫn bắn trên có thể thay đổi qua lại với nhau tạo độ linh hoạt cao.
Bên cạnh đó, tên lửa Python-5 cùng với Derby của SPYDER-SR có tầm bắn cũng như độ cao diệt mục tiêu lớn hơn Sosna rất nhiều, ngoài ra còn là cơ chế dẫn đường tiên tiến khóa mục tiêu sau khi phóng trên cả 2 loại đạn, đây là công nghệ bỏ xa Sosna-R cả một thế hệ.
Việt Nam cũng tỏ ra ưa thích các tổ hợp phòng không sử dụng khung gầm xe bánh lốp hơn là bánh xích do chúng có chi phí khai thác rẻ và ít khi hỏng hóc.
Với những ưu điểm trên, khả năng Sosna được Việt Nam lựa chọn cho phòng không điểm là rất thấp, bất chấp hệ thống này có thể chia sẻ dây chuyền bảo dưỡng kỹ thuật với hải quân. Cơ hội dành cho Sosna có lẽ chỉ trở lại nếu xuất hiện nhu cầu đối với phòng không lục quân để bảo vệ đội hình hành tiến của các đơn vị cơ giới quy mô lớn trong tương lai.
Hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Sosna trình diễn tính năng