Trong lúc căng thẳng tiếp tục gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ đã tiến hành thử nghiệm tên lửa và hệ thống phòng không. Mới đây, Washington cũng đã thử nghiệm thành công một tên lửa đánh chặn tầm xa trên Thái Bình Dương.
Quả tên lửa này là một phần của Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD), lá chắn cuối cùng bảo vệ lãnh thổ Mỹ trước mối đe dọa tên lửa đạn đạo của đối phương.
Mỹ phóng thử tên lửa thuộc hệ thống đánh chặn
Tên lửa đánh chặn được phóng đi từ căn cứ không quân Vandenberg tại bang California và đã bắn hạ mục tiêu mô phỏng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) được phóng từ quần đảo Marshall.
Theo tuyên bố từ quân đội Mỹ, mục tiêu đã bị phá hủy do "va chạm trực tiếp" với cỗ máy đánh chặn hủy diệt đầy uy lực. Cuộc thử nghiệm lần này đánh dấu lần đầu tiên GMD được sử dụng để chống lại một mục tiêu ICBM. Tất cả những lần phóng trước đây đều chống lại những mục tiêu tên lửa đạn đạo tầm trung bay ở tốc độ thấp hơn rất nhiều.
"Vụ thử nghiệm chứng tỏ rằng chúng ta có khả năng chống lại một mối đe dọa rất thực tế", ông Jim Syring, Phó Giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) nhận xét.
Lầu Năm Góc đã hoàn thành một nhiệm vụ hết sức khó khăn về mặt kỹ thuật để đánh chặn một vật thể trong không gian bay ở khoảng cách xa hàng ngàn cây số và có tốc độ bay lên đến 10 km/s.
Tuy nhiên, xét về việc áp dụng trong thực tiễn hệ thống đánh chặn trên, tình hình sẽ phức tạp hơn. GMD đã được phát triển từ cuối những năm 1990 và lần đầu được triển khai năm 2004. Hiện tại, lá chắn GMD của Mỹ có 36 tên lửa đánh chặn, trong đó có 32 quả đặt tại căn cứ Greely, Alaska, 4 quả còn lại bảo vệ căn cứ không quân Vandenberg ở California.
Theo kế hoạch của Lầu Năm Góc, số lượng tổ hợp đánh chặn của GMD sẽ tăng lên thành 44 vào cuối năm nay. Tất nhiên, những hệ thống này chưa bao giờ được triển khai trong chiến đấu.
Những căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn tiếp tục gia tăng trong những ngày qua
Ở Mỹ, một số nhà phê bình nhiều lần mô tả GMD là một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa phức tạp và không đáng tin cậy nhất.
Kể từ năm 1999, 17 cuộc thử nghiệm hệ thống đã được tiến hành và chỉ có 9 trong số đó là thành công. Thành phần có vấn đề nhất là đầu đạn đánh chặn ngoài khí quyển (EKV), nhưng trong đợt thử nghiệm gần đây nhất, bộ phận này đã được nâng cấp đáng kể.
Ông Chris Johnson, quan chức của Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ nói rằng, hệ thống GMD có thể dùng tên lửa đánh chặn bắn hạ tên lửa đạn đạo, nhưng "trong thực tế, chúng ta (Mỹ) phải sử dụng nhiều tên lửa đánh chặn hơn".
Vì vậy, để đánh bại hệ thống GMD của Mỹ, Triều Tiên hay các kẻ thù khác của Washington chỉ cần làm cạn kiệt nguồn cung cấp tên lửa đánh chặn thông qua việc sử dụng những mục tiêu "làm mồi" rẻ tiền. Có thể nói, Mỹ không dễ dàng đánh chặn được tên lửa ICBM của Triều Tiên nếu một cuộc giao tranh thực sự nổ ra.
Trung tá Sergei Khatylev, cựu Chỉ huy lực lượng tên lửa phòng không của Không quân Nga nói rằng cần phải có thêm nhiều cuộc kiểm tra nữa mới có thể xác nhận khả năng của GMD.
"Vẫn quá sớm để gọi đó là một cuộc thử nghiệm thành công. Mỹ cần nhiều bài kiểm tra nữa đối với GMD đặt trong những điều kiện khác nhau. Nếu có thêm một vài chướng ngại, gồm cả việc gây nhiễu radar, thì phạm vi bắn và độ chính xác của hệ thống sẽ tụt giảm hai lần", ông Khatylev nói.
Một vấn đề khác của hệ thống GMD là giá thành. "Cuộc thử nghiệm lần này tiêu tốn khoảng 244 triệu USD để đạt được một bước tiến nhỏ. Một bước tiến nhỏ mà Washington có được phải tốn 3 năm", Philip Coyle, cựu Giám đốc Văn phòng Thử nghiệm và Đánh giá hoạt động của Lầu Năm Góc, nhận định.
Theo dự tính ban đầu của Lầu Năm Góc, chương trình GMD "ngốn" khoảng 30,7 tỷ USD ngân sách quốc phòng. Tới năm 2013, con số này tăng lên mức 40,9 tỷ USD. Từ đó tới nay, GMD đã tiêu tốn thêm khoảng 4,4 tỷ USD từ ngân sách quốc phòng Mỹ.
Vụ phóng thử hồi đầu tuần cũng được giới quan sát đặt trong bối cảnh đáng lo ngại về những hậu quả đối với sự cân bằng hạt nhân chiến lược giữa Moscow và Washington.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, Moscow xem sự phát triển của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ là thách thức
Trong một động thái bất ngờ, Tổng thống Nga Putin cho hay, Nga xem sự phát triển của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ là thách thức và sẽ không thể làm ngơ trước tình trạng này.
"Đây là vấn đề quan ngại lớn với chúng tôi và chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng trong nhiều thập niên qua. Nó làm ảnh hưởng đến cán cân chiến lược thế giới. Nhưng cả thế giới vẫn im lặng, không ai lắng nghe chúng tôi", Tổng thống Putin phát biểu với báo giới bên lề diễn đàn kinh tế ở St Petersburg hôm 1/6.
Cuộc phóng thử lần này cũng phản ánh lập trường cứng rắn của Washington với Triều Tiên. Nó được tiến hành chỉ hai ngày sau khi Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa đạn đạo.
Một số chuyên gia nhận xét, không thể phủ nhận rằng Washington đang cân nhắc một biện pháp tấn công phòng ngừa trước Triều Tiên, trong đó xem xét cả cách thức để đẩy lùi một cuộc phản công.
Theo Tướng Aytech Bizhev, nguyên Phó Chỉ huy Không quân Nga, một trong những mục tiêu của đợt thử nghiệm mới nhất là Mỹ muốn chứng minh rằng, Lầu Năm Góc có khả năng phản ứng trong bất kỳ cuộc tấn công nào.
"Người Mỹ thực dụng. Khi căng thẳng gia tăng ở một nơi nào đó trên thế giới, họ sẽ lập tức thúc đẩy nâng cao năng lực kỹ thuật để đối phó. Hiện tại, họ sẽ tập trung vào vấn đề này tại Thượng viện và yêu cầu chi ngân sách nhiều hơn vào các hệ thống phòng thủ tên lửa", Trung tá Nga Sergei Khatylev kết luận.