Sự kinh ngạc của các chuyên gia quân sự quốc tế là điều dễ diểu, do S-300 là một trong những hệ thống tên lửa phòng không tầm xa hàng đầu thế giới hiện nay, chứa đựng trong mình những công nghệ cực cao, vô cùng khó nắm bắt chứ chưa nói đến sao chép.
Trong khi đó, KN-06 lại giống S-300 từ radar dẫn bắn, hình dáng của quả đạn đánh chặn, cho tới cả phương thức phóng lạnh đặc trưng... chỉ chưa rõ là nó đã "copy" được phương thức dẫn đường thông qua tên lửa (Track via Missile - TVM) tinh vi hay chưa?
Nhưng nếu bỏ qua các chi tiết còn chưa rõ ràng thì đây vẫn là một thành tựu cực lớn của nền công nghiệp quốc phòng Triều Tiên.
Tên lửa đánh chặn thuộc hệ thống KN-06 của Triều Tiên diệt thành công mục tiêu trên không
Tuy nhiên hiện tại, vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm nhất có lẽ không phải tính năng của KN-06 bằng được bao nhiêu phần trăm của S-300, mà là Triều Tiên đã làm cách nào để chế tạo ra bản sao của nó.
Khả năng nước này tự nghiên cứu "từ A đến Z" bị cho là điều khó xảy ra, mà khả thi hơn là họ đã nhận được sự trợ giúp kỹ thuật từ một đồng minh thân thiết nào đó.
Nhìn lại quá khứ, khi Triều Tiên bắn thử nghiệm tên lửa hành trình chống hạm có hình dáng giống như Kh-35 Uran của Nga vào tháng 2/2015, cũng có ý kiến bàn luận xoay quanh việc Bình Nhưỡng tự phát triển hay là bằng cách nào đó thu được nguyên mẫu để tiến hành "mổ xẻ" rồi copy.
Vấn đề trên sau này đã được làm sáng tỏ, khi Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm - SIPRI cho biết chính Nga đã bán cho Triều Tiên 10 quả tên lửa Uran-E từ năm 2005.
Bắn thử nghiệm tên lửa chống hạm sao chép Kh-35 do Triều Tiên chế tạo
Vậy nếu như một đối tác nước ngoài nào đó bí mật tuồn công nghệ S-300 cho Triều Tiên thì khả năng cao nhất thuộc về ai?
Trường hợp Nga cung cấp là rất khó, bởi vì S-300 vẫn nằm trong danh sách hàng bán chạy của họ, Moskva chẳng dễ dàng gì đi chia sẻ kỹ thuật với nước ngoài.
Trung Quốc mặc dù cũng được nhắc tới, nhưng cần nhớ rằng gần đây quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đã không còn tốt đẹp như xưa, Trung Quốc đang muốn kiềm chế bớt Triều Tiên chứ không phải muốn nước này tiếp tục phát triển tiềm lực quốc phòng.
Sự chú ý nhiều nhất có lẽ đang hướng về phía Iran. Các chuyên gia không phổ biến vũ khí hạt nhân từ lâu đã hoài nghi Triều Tiên và Iran chia sẻ kinh nghiệm về các chương trình tên lửa, thậm chí là cả vũ khí hạt nhân.
Triều Tiên được cho là "cha đẻ" của các loại tên lửa đạn đạo chủ lực của Iran. Đổi lại, quốc gia Hồi giáo bí mật trợ giúp về nhiên liệu, tài chính, hay thậm chí là cả công nghệ vũ khí tối tân mà họ mua được từ Nga.
Nếu thực sự tồn tại một thỏa thuận bí mật giữa Iran và Triều Tiên, dự báo trong tương lai gần, quốc gia Đông Bắc Á này sẽ còn tự chế tạo được nhiều vũ khí hiện đại hơn nữa.